Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước cho biết tại buổi họp báo thông báo kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2012. Theo ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của EVN lãi 8.814 tỷ đồng đã bao gồm cả phân bổ xử lý khoản lỗ 21.000 tỷ đồng. Trong đó, phần chênh lệch tỷ giá phân bổ là 10.535 tỷ, cộng với lỗ kinh doanh các năm trước là 10.482 tỷ.
Giải thích về số tiền chênh lệch tỷ giá, ông Long cho biết, vì trong 10 năm qua, các đơn vị thuộc EVN đã phải đi vay ngoại tệ để sản xuất, từ thời điểm 1 USD bằng 13.000 đồng nhưng nay đã lên trên 21.000 đồng.
Khoản chênh lệch này tính đến 31/12/2011 là trên 26.000 tỷ đồng, đã được Thủ tướng cho phép bù vào giá điện trong các năm 2012–2015, trung bình mỗi năm 6.600 tỉ đồng. Như vậy, với việc đã xử lý được hơn 10.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá trong năm 2012 thì số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào giá điện gian đoạn 2013-2015 còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo ông Long, do trước năm 2012 ngành điện phải bán giá dưới giá sản xuất để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nên khoản lỗ này cũng sẽ được bù dần vào giá điện từ nay đến 2015. Số lỗ này còn khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Đại diện Kiểm toán cho hay, dù khoản tiền trên 26.000 tỷ này không quy định rõ mỗi năm phải phân bổ vào giá điện cụ thể bao nhiêu, nhưng khi xây dựng giá điện hàng năm EVN phải có tính toán để đưa vào. Trên thực tế, kiểm toán cho biết EVN đã đăng ký đầu năm một đường nhưng cuối năm lại ra một kết quả khác. Ví dụ năm 2012 đăng ký 9%, song cuối năm lãi lớn nên tập đoàn đã bổ sung lên 30%. “Việc phân bổ như vậy là thiếu nhất quán”, ông Long nhận xét.
Ngoài ra, trong cơ cấu giá điện năm 2012 của EVN còn phát sinh thêm khoản 2.175 tỷ đồng phải trả do mua khí vượt định mức của Tập đoàn Dầu khí. “Nếu không tính các chi phí phát sinh này thì giá điện bình quân trong năm 2012 đáng ra đã giảm được 120 đồng cho mỗi kWh”, ông Long nói.
Ông cũng cho biết thêm, tại thời điểm 31/12/2012, chênh lệch định giá tài sản của EVN tăng thêm 63.000 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất điện trong năm 2013 tăng thêm 6.318 tỷ đồng, tương ứng với giá điện mỗi kW sẽ phải đội thêm 62 đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán phát hiện quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và các công ty thành viên tập đoàn không đúng quy định. Cụ thể, EVN đã nâng giá mua điện cho Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí và Nhiệt điện Cần Thơ với số tiền hơn 865 tỷ đồng. Trong khi đó, EVN lại đi giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực với tổng tiền trên 1700 tỷ đồng.
Trước lo ngại về tình trạng chuyển giá giữa công ty mẹ cho các doanh nghiệp thành viên, ông Long nói rằng, dù nhiệt điện Uống Bí và Cần Thơ là hai doanh nghiệp cổ phần, nhưng cũng thực hiện việc bán điện bình ổn và phục vụ sự cố nên điều này là hoàn toàn chấp nhận được.
Tương tự, do 5 tổng công ty điện đều 100% vốn nhà nước, trước năm 2012 việc bán điện cũng dưới giá thành để kiềm chế lạm phát nên hạch toán như trên cũng là phù hợp với chế độ kế toán.
Chí Hiếu