Đức, 23 tuổi, cho biết bị viêm xoang từ năm 2019 khi lên Hà Nội nhập học. Thời kỳ đầu anh liên tục phải uống thuốc, xịt thông xoang nhưng căn bệnh không dứt. Sau này trường chuyển lên Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, cách trung tâm khoảng 40 km, căn bệnh đường hô hấp của anh bỗng dưng biến mất.
"Có thể vùng ngoại thành ít khói bụi, đường thông thoáng, các triệu chứng mất dần. Nhưng mọi chuyện trở lại như cũ khi tôi xuống nội thành thực tập đợt cuối tháng 10", Đức kể. Anh cho biết dù đeo khẩu trang nhưng liên tục bị hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt, kèm đau đầu kéo dài.
Ở quận Hoàng Mai 18 năm, nhưng bốn năm gần đây cứ vào cuối thu, đầu mùa đông chị Đỗ Huyền, 35 tuổi ở quận Hoàng Mai, lại rùng mình bởi biết mùa của những cơn ho dai dẳng sắp về. Từ giữa tháng 11, da chị liên tục nổi mẩn ngứa, ửng đỏ dù không đi dưới nắng hay sử dụng mỹ phẩm lạ.
"Chỉ cần về quê hai ngày cuối tuần hoặc xin nghỉ phép 4-5 ngày lên vùng cao các triệu chứng gần như biến mất. Đồng nghiệp hay trêu tôi 'không hợp đất thủ đô'", chị Huyền nói.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường, cho rằng các triệu chứng Anh Đức, chị Đỗ Huyền đang gặp có thể do dị ứng với bụi mịn, ô nhiễm không khí ở thủ đô.
Gần hai tuần qua thời tiết Hà Nội u ám, các chỉ số ô nhiễm không khí được ghi nhận ở mức cao khiến người dân cảm thấy khó chịu. Chuyên gia nói tình trạng này không phải bất thường, bởi thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau chỉ số AQI (chất lượng không khí) kém hơn các tháng còn lại. Sự xuất hiện của khói bụi vào mùa đông chủ yếu do lặng gió, ít mưa kèm theo những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp, không được rửa trôi.
Nhắc về tác hại của ô nhiễm không khí, ông Tùng dẫn nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh loại ô nhiễm này đe dọa sức khỏe của người dân và bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có kích thước bằng 1/30 sợi tóc) là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ tư thế giới. Riêng tại Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội tháng 8/2021 của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp với trường Đại học Y tế Công cộng, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung điều ông Dương nêu.
Theo báo cáo, riêng năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, chiếm 12% tổng số trường hợp trên 25 tuổi. Tổng số năm sống (tiềm tàng) bị mất của người dân là 79.933 năm và kỳ vọng sống bị mất do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, giảm khoảng 2,49 tuổi.
Đáng chú ý, sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp do hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh.
Tổng cục Môi trường cũng nhận định ô nhiễm môi trường tại Hà Nội từ cuối tháng 11 đến nay chủ yếu do bụi mịn PM2.5. Trong số đô thị bị ô nhiễm, giá trị trung bình 24 giờ PM2.5 ở Hà Nội cao nhất, có đến 6-7 ngày vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu mức kém và chạm ngưỡng xấu.
Khảo sát của VnExpress lúc 9h ngày 13/12 cho thấy số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air - kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng tại Việt Nam, chỉ số AQI ở nhiều quận trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ đều trên 150, mức có hại cho sức khỏe. Cùng thời điểm, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới IQAir xếp Hà Nội thuộc 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
"Chính mối nguy hại từ bụi mịn khiến người dân những năm gần đây dần nâng cao nhận thức, tìm mọi cách tự phòng tránh như đeo khẩu trang, kính mắt, hạn chế ra ngoài, đóng cửa sổ, mua thiết bị lọc không khí hoặc gửi con cái về quê để tránh ô nhiễm", tiến sĩ Tùng nói.
Dùng mọi biện pháp che mắt, mũi, miệng nhưng những cơn ho, sổ mũi và dị ứng da của chị Đỗ Huyền không cải thiện. Cuối cùng, người phụ nữ 35 tuổi chọn đi làm bằng xe buýt để hạn chế tiếp xúc với bụi. Riêng các ngày trạm quan trắc gần nhà cảnh báo chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức 200, chị xin làm việc từ xa hoặc nghỉ phép.
Trong khi Đức Anh lại dùng thuốc trị viêm xoang liều cao. "Tôi tưởng thoát cảnh phụ thuộc vào thuốc nhưng xuống nội thành được hai tháng lại về vạch xuất phát. Cuối năm nay tôi sẽ lên Hòa Lạc, sau tính phương án về quê xin việc làm", Đức Anh nói.
Bà Thanh Bình, 65 tuổi, từ Nghệ An ra quận Hà Đông trông cháu nhưng thi thoảng bị ngứa họng, ho và ngạt mũi không rõ nguyên nhân. Qua thăm khám, bà được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Kể từ đó người phụ nữ tự nhốt mình trong nhà, bật máy lọc không khí nhưng sức khỏe không khả quan hơn. Thậm chí đứa cháu mới 6 tháng tuổi có triệu chứng sụt sịt mũi, khiến bà có ý định đưa về quê vài tuần.
"Muốn hưởng không khí trong lành chỉ có bỏ phố về quê, nhưng ở đây các con còn công việc, học tập nên đành chịu. Giờ ai né được thì né, người ở lại buộc tìm mọi cách phòng tránh như mua khẩu trang, máy lọc không khí", người phụ nữ 65 tuổi nói.
Chị Mai, chuyên cung cấp máy lọc không khí trực tuyến, cho biết lượng hàng tiêu thụ trong hai tháng gần đây tăng 50% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trước nhu cầu trên, một bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung Ương (đề nghị giấu tên) khuyến cáo người dân nên chọn mua các sản phẩm chất lượng, bởi rất nhiều loại trên thị trường chỉ có tác dụng ngăn bụi lớn, không thể chống mịn PM2.5.
"Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào người dân nào cần tìm hiểu kỹ, tránh chạy theo trào lưu, không thu lại kết quả", vị này nói.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết nhiều năm nay Hà Nội đã phát triển xe buýt điện, di dời cơ sở công nghiệp khỏi nội đô, xử lý hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch, cấm đun than tổ ong, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục. Một trong những nguyên nhân do chưa kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm nội tại như làng nghề tái chế, công trình xây dựng chưa thật sự quan tâm tới phát thải không khí, lượng xe cộ tham gia giao thông không ngừng gia tăng, chưa kể nguồn phát thải từ các cơ sở công nghiệp lân cận.
"Điều này dẫn đến tình trạng mỗi đợt không khí ô nhiễm, người dân thủ đô chỉ biết trông chờ một vài trận mưa hoặc đợt gió mùa để phát tán bớt lớp bụi mịn dày đặc, u ám", chuyên gia nói.
Quỳnh Nguyễn