Trên bảng công khai tài chính treo trên vách tường đã tróc sơn, thực đơn cho mỗi bữa ăn của 80 đứa trẻ đang tuổi dậy thì là 6,5 kg thịt, 15 bìa đậu phụ, 13 kg bí xanh và một bó hành lá.
Tôi không biết tám mươi gram là ít hay nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn: mỗi bữa cơm có tám mươi gram thịt ấy đều là những ngày hạnh phúc trong quãng đời đi học của Lù Thị Sen. Trước khi được ở lại trường theo diện bán trú, Sen có sáu năm đi bộ đến trường. Mỗi ngày hai tiếng đi, hai tiếng về. Em đi qua bóng tối, qua trời mưa, lũ quét và sạt lở đất. Để giữ học sinh ở lại với trường, thầy cô đã dồn phòng học, dạy tăng ca để các em được ở bán trú.
Những đứa trẻ không may mắn được ở nhà bán trú như Sen, sẽ đi bộ hàng chục cây số tới trường. Chúng đi học từ lúc chưa nhìn rõ mặt đất và trở về nhà lúc không còn trông rõ mặt người. Thứ mà các em mang theo, ngoài cặp sách là một phần cơm trưa. Suất ăn có một nắm cơm, kèm vài miếng thịt, hoặc dúm muối vừng. Nhiều khi chỉ là cơm trắng. Cái túi nylon mang về sẽ giặt sạch, phơi khô, rồi dùng tiếp đến khi rách.
Ngôi trường nằm trên rẻo cao, nơi mà quanh năm học sinh nhìn ra chỉ thấy mây mù, sương và gió núi. Trong sân trường, những khẩu hiệu đóng vào thân cây không tấm nào nguyên vẹn. Nhưng vẫn có thể đoán ra nội dung “Học để xoá nghèo”, “Tri thức là sức mạnh”. Chúng đều bị gió giật rách tung. Gió và cái nghèo cũng không tha bất cứ thứ gì lành lặn, từ cửa phòng học, phòng ở của thầy, vách tường khu bán trú của trò…
Song hành với các em, là những người thầy cùng khổ. Những năm mới bước vào nghề, tan lớp là thầy Thành xin đi trồng cột điện, kéo dây cáp để có thêm đồng ra đồng vào. Lương giáo viên hơn 600 nghìn, nhưng làm “công nhân” thì có thêm một triệu.
Trước ngày khai giảng, công việc của thầy cô ở ngôi trường này năm nào cũng giống nhau: tăng vành, thay lốp xe để còn đi xuống bản vận động học sinh về trường; căng lại tấm bạt che trần phòng học bị gió giật tung, đóng lại chiếc ghế gẫy chân…
Không thấy học sinh đến trường hai buổi, là thầy cô xuống bản. Xuống một lần không được thì hai lần, ba lần, rồi kéo cả lãnh đạo xã cùng xuống, chỉ để giữ được trò ở lại với lớp. Trên chặng đường trở về, cô giáo ngã ở dốc cao, xe thầy bay xuống suối vì một đoạn cua tay áo.
Mười mấy năm qua đi, những thế hệ học sinh ngày đầu thấy thầy giáo còn nhảy vào bụi rậm để trốn, hỏi không nói gì ngoài lắc đầu và lặng im. Đến bây giờ đã chào rất to, khoanh tay mỗi khi thấy thầy xuống bản. Có lần thầy nằm viện, học sinh đi bộ mười lăm cây số, gom góp bốn gói mì tôm xuống thăm, khiến người trong viện cứ cười mãi. Chúng biết mang quả đào, quả mận cảm ơn khi khách dưới xuôi tới thăm nhà cho một thanh kẹo.
“Giáo dục Hà Giang” trong mắt tôi được tạo thành từ những em Sen, em Liều, những thầy Thành, thầy Vịnh, vượt khó vượt khổ giữa núi rừng để đưa kiếp người thoát khỏi những túp nhà xác xơ. Mười mấy năm vượt núi băng rừng, ăn bữa cơm 80 gram thịt hay ăn cơm đựng trong túi nylon của những đứa trẻ vùng cao, đều trở thành một phần đời ý nghĩa. Thứ tài sản vô giá ấy qua năm tháng, bồi đắp nên lòng tự trọng của những con người.
Nhưng nếu bỗng một ngày sự tự trọng ấy, phần đời phi thường ấy, bị phủ nhận sạch trơn?
Hôm qua, “giáo dục Hà Giang” trở thành tâm điểm của một cơn bão dư luận. Bộ Giáo dục công bố điểm thi THPT quốc gia 2018. Sự bất thường được cho là ở Vật lý, Hoá học và Toán. Ở môn Vật lý, có 65 thí sinh Hà Giang đạt từ 9 trở lên. Trong khi TP HCM, con số trên chỉ là 39. Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang gấp 23 lần Hà Nội. Giáo viên ở Hà Nội thậm chí đã tỏ ra bất bình, muốn Bộ phải làm rõ sự bất hợp lý trong điểm thi để trả lại sự công bằng cho thí sinh.
“Sự bất thường” như cái cách mà dư luận đang nhìn nhận, hẳn sẽ cần thời gian, với những biện pháp nghiệp vụ của ngành giáo dục để trả lời.
Nhưng ngay lúc này, với các cáo buộc, các hoài nghi, thì sự tự trọng của “ngành giáo dục Hà Giang” đã bị tổn hại. Sự tự trọng ấy, được tạo ra bằng việc vượt qua bao cơ cực của bao con người. Và ngay cả tưởng tượng thôi, cũng đủ rùng mình: chỉ cần sự tham lam và ích kỷ của một nhóm người, sự trỗi dậy của chủ nghĩa thành tích trong một thời điểm, là nó có thể bị cào bằng, bị đồng hóa, thậm chí bị phủ nhận sạch trơn.
Tôi chợt nhớ Vừ Mý Kỵ lớn lên trên cao nguyên đá, mang theo vài bộ quần áo, một mình bắt xe từ Đồng Văn xuống Thái Nguyên nhập học nội trú. Nhớ nhà Lý Cha quyết bán con trâu duy nhất lấy tiền cho con đi học. Lúc lái buôn đến dắt trâu đi, cả nhà khóc đỏ hoe cả mắt. Nhớ Tẩn Láo San, đứa trẻ vì muốn đi học mà chịu bao trận đòn đau.
Đường đi học suốt mười hai năm của những đứa trẻ vùng cao có muôn hình vạn trạng, mà một đứa trẻ thành thị có thể không bao giờ phải trải qua. Có con đường đi qua nương qua rẫy, qua những mỏm đá tai mèo. Cũng có lúc chúng đi bè mảng, đu dây, hoặc cởi quần áo, ôm cặp sách mà bơi qua sông, qua suối. Chưa có con đường nào thực sự dễ đi.
Sau khi thày và trò đã đi qua một con đường như thế, để nuôi dưỡng lòng tự trọng trong mình, thì ngay cả việc cho họ một thứ điểm cao giả dối bởi chủ nghĩa thành tích, cũng là một sự bạc bẽo.
Và cho dù chính trong tôi cũng có những nghi ngờ, tôi sẽ cương quyết không coi nó đứng chung với "ngành giáo dục Hà Giang".
Hoàng Phương