Một buổi sáng năm 1995, ba ngày trước khi quay Có một dòng sông đã qua đời, Trịnh Công Sơn chuẩn bị một cuộc rượu với bạn bè ở Sài Gòn. Thấy Dương Minh Long, ông gọi và nói có việc cần nhờ. Sau khi dẫn nhiếp ảnh gia đi qua hành lang, lên căn gác nơi đặt bàn thờ mẹ, ông đứng mở cửa chiếc tủ sưa màu nâu to, hàng loạt túi da, bọc nylon, bọc giấy, buộc dây... rơi xuống. Nhạc sĩ nhờ anh tìm hộ một bức thư đã viết nhưng không biết để lẫn vào đâu.
Lôi hết đống tài liệu trong tủ, trải khắp nền căn phòng, Dương Minh Long cứ thế ngồi phân loại từ các bài báo, thư tình, bản ghi lời nhạc gốc đầy vết tẩy xóa đến cả những văn bản hành pháp cấm nhạc Trịnh, hay xác nhận tình trạng hôn nhân của một cô bạn gái của ông. Anh xếp mấy ngày mới xong. Bức thư không tìm thấy nhưng Trịnh Công Sơn bất ngờ khi khối tài liệu lớn được phân loại, xếp gọn gàng.
Trong lúc làm việc, Minh Long nảy ra ý định làm phim về Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ đồng ý, bảo anh cứ chuẩn bị. Cứ vài ba hôm, ông lại đưa anh một tập tài liệu, có thể là những bản thảo hoặc vài dòng ghi chép nhỏ... Anh nói với nhạc sĩ: "Với tư liệu này thì làm mấy chục tiếng cũng không hết". Sau này, công việc của anh bận rộn, dự định làm phim hoãn vô thời hạn. Năm 2001, khi đang chụp ảnh ở Ninh Thuận, anh nghe tin nhạc sĩ qua đời.
Khi Trịnh Công Sơn mất, Dương Minh Long nói từng dự định đốt hết đống tư liệu và gần 10.000 kiểu ảnh tự chụp ông vì "Người mình yêu quý mất đã mất thì những cái đó cũng không còn ý nghĩa". Nhà báo Trần Trọng Thức khi ấy biết chuyện liền ngăn cản.
Ngày 29/3, tại Hà Nội, Dương Minh Long trao lại hơn 1.000 tư liệu đang giữ cho gia đình Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - khóc khi nhìn thấy tư liệu của anh trai được cất giữ ngăn nắp trong chiếc vali. Chị nói: "Anh ra đi 20 năm, chúng tôi vẫn nghĩ mới như ngày hôm qua, vẫn thấy anh vẫn còn đó. Tôi xúc động vì thấy ai cũng thương anh Sơn. Ai cũng muốn giữ kỷ vật của anh là của riêng nhưng khi cần, vẫn nguyện ý trao lại cho gia đình. Đây là điều rất quý, đáng trân trọng".
Ngoài những tư liệu của Trịnh Công Sơn, Dương Minh Long có hơn 10 năm chụp nhạc sĩ với khoảng 10.000 bức ảnh. Năm 1990, anh thực hiện triển lãm ảnh cá nhân ở TP HCM. Do bận công việc ở Moskva, Nga, anh không về kịp lễ khai mạc. Sau đó, nhà thơ Nguyễn Duy khuyên anh làm lễ bế mạc long trọng, để gặp gỡ giới văn, nghệ sĩ bấy giờ. Nhà thơ sau đó mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh... - những người bạn của ông - tới dự. Nhờ vậy, anh có cơ hội gặp Trịnh Công Sơn. Dần dần, qua công việc, cả hai trở nên gắn bó, thân thiết.
Trong hơn 10 năm, có bốn năm Dương Minh Long sống trong nhà Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, nhiếp ảnh gia tranh thủ lúc không phải đi làm, ghé thăm nhạc sĩ bất chợt hoặc hẹn đi ăn, gặp gỡ bạn bè của ông. Khi chụp, anh chỉ nhờ Trịnh Công Sơn đứng ở vị trí nhất định, còn việc đứng ra sao, làm gì, thể hiện như thế nào, tùy thuộc ở nhạc sĩ. Ông hút thuốc, đọc sách, xem tạp chí, trầm tư bên bàn thờ cha mẹ, có lúc ngẩn người nhìn ra bên ngoài cửa sổ... Nhờ vậy, Minh Long ghi lại được những khoảnh khắc tự nhiên, có chiều sâu. Ông không có yêu cầu gì, mỗi lần nghe tiếng máy chụp, ông chỉ hỏi: "Được chưa Long hè?".
Năm 1997, một lần sắp ra khỏi nhà, ông chợt đi về phía gần cửa sổ, ngồi xuống và nói: "Hôm nay anh muốn Long chụp anh ở chỗ này". Chụp xong, nhạc sĩ vẫn ngồi im, ngẫm nghĩ điều gì rất lâu. Sau đó, ông chỉ tay về phía giữa nhà rồi nói: "Khi anh mất, đây sẽ là nơi đặt linh cữu".
Trong khoảng 10.000 bức ảnh chụp cho Trịnh Công Sơn, chỉ có khoảng 3 - 5 kiểu nhạc sĩ cười. Đa phần, ông ở trong trạng thái suy tư. Thi thoảng, nhạc sĩ xem lại ảnh. Vừa xem, ông lẩm bẩm: "Cái này buồn nhỉ, không nhận ra mình". Một lần, ông chỉ vào bức ảnh đang ngồi trên bàn tiệc đông người, gương mặt buồn và hỏi: "Long chụp ở đâu nhỉ, sao anh lại có tâm trạng lạ thế?". "Tất cả hình ảnh tôi chụp Trịnh Công Sơn, lúc ngắm nhìn như thế nào, là in ảnh đúng như thế, không photoshop, cắt cúp", nhiếp ảnh gia nói.
Nắm trong tay hàng chục nghìn tác phẩm nhưng hàng chục năm qua, anh chỉ công bố 20 tác phẩm. Nhiều lần, các đơn vị muốn xin ảnh, video để sử dụng, trưng bày, Dương Minh Long từ chối. Ảnh tư liệu quan trọng nhất là chú thích tác phẩm. Anh sợ người nhận ảnh tự đề, hoặc sao chép từ chỗ này sang chỗ khác, câu chuyện của bức ảnh sẽ trở nên sai lệch. Anh cũng lo ngại tình trạng cắt cúp ảnh - điều không nghệ sĩ nhiếp ảnh nào mong muốn.
Nhiếp ảnh gia mong muốn thực hiện sách ảnh về nhạc sĩ theo từng chủ đề khác nhau như: Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung, chân dung tự sự Trịnh Công Sơn... Anh lên kế hoạch chuẩn bị trong vòng 5 năm, hiện vẫn chưa hoàn thành. Dịp này, anh in một tập nhỏ, gửi tặng gia đình cố nhạc sĩ xem như là món quà. "Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến giờ phút này, tôi có một tâm niệm rất đơn giản thôi là làm tất cả vì tình yêu của tôi dành cho anh, âm nhạc của anh và những ca khúc tôi yêu thích".
Hiểu Nhân