Trong căn nhà rộng hơn 40 m2 lợp bằng tôn, xung quanh thưng ván và phên tre, chị Hồ Thị Thủy, 24 tuổi, thôn 2, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đang ru con ngủ.
Năm năm trước, chị Thủy quen một thanh niên từ miền Bắc đến Quảng Nam làm nghề phu vàng. Hai người nên duyên vợ chồng, song sau khi đứa con đầu tiên chào đời được 5 tháng thì thanh niên này bỏ đi, để lại vợ con bơ vơ trong căn nhà trống hoác, không có tài sản gì đáng giá.
Sau những ngày tháng nuôi con một mình, đến cuối năm 2018, chị Thủy quen một người đàn ông khác và dự định đi bước nữa. Hai người chưa tổ chức đám cưới thì chị Thủy mang bầu.
Theo luật tục của người dân tộc Giẻ Triêng, mang bầu trước khi cưới là "rất xui xẻo, mang điều xấu cho dân làng". Do vậy chị Thủy không được sinh con trong nhà mà phải ra bìa rừng. Vị trí bìa rừng không quan trọng xa hay gần, chỉ cần ra khỏi địa phận của làng là được.
Hôm trở dạ, Thủy đến Trung tâm y tế huyện Phước Sơn hạ sinh đứa bé, năm ngày sau được xuất viện. Hai mẹ còn về đến đầu làng thì chồng đón sẵn, đưa ra bìa rừng. Ở đó, một lều nhỏ được làm bằng tấm bạt che nắng, che mưa và mấy tấm ván ghép tạm làm giường nằm.
Hàng ngày, người chồng phục vụ cơm nước và giặt giũ áo quần cho hai mẹ con. Không người làng nào được đến gần. Sau 10 ngày ở lều, vợ chồng Thủy vay mượn tiền mua một con lợn trên 10 kg để nộp cho làng làm lễ cúng.
Chị Thủy kể lại "biết rằng ra bìa rừng ở thì mẹ và đứa con bị ảnh hưởng đến sức khỏe, do mưa nắng và điều kiện vệ sinh không sạch sẽ như ở nhà, nhưng không dám làm trái phong tục của làng". Bởi theo phong tục, nếu chị đưa con về nhà ở, sau này trong làng có người chết hay tai họa ập đến thì mọi tội lỗi đổ lên đầu đứa trẻ.
Lúc đó, làng sẽ bắt bố mẹ đứa bé mua trâu, rượu hết hơn 30 triệu đồng làm lễ cúng thần linh. "Thà chịu khổ ở ngoài rừng còn hơn bị làng phạt trâu, lúc đó hai vợ chồng không biết lấy đâu ra tiền mua sắm lễ vật", chị Thủy nói.
Xã Phước Lộc nằm trên dãy núi Ngọc Linh có độ cao 1.000 m so với mực biển, cách trung tâm huyện Phước Sơn 60 km. Nơi đây có khoảng 400 hộ dân sinh sống, hơn 40% thuộc diện nghèo. Thôn 2, xã Phước Lộc, nơi vợ chồng chị Thủy đang sinh sống có hơn 50 hộ dân. Trước đây họ sống rải rác nhưng nay được quy tụ về một khu dân cư tập trung quây quần trên ngọn đồi.
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch xã Phước Lộc, cho hay với gần 10 năm công tác ở xã vùng cao này, ông đã cùng chính quyền địa phương và người già trong làng nỗ lực vận động, loại bỏ dần nhiều luật tục không phù hợp của người Giẻ Triêng, trong đó có vấn nạn buộc phụ nữ sinh con ở bìa rừng.
"Năm 2015 chính quyền xã mở một đợt ra quân mạnh mẽ để loại bỏ việc phụ nữ phải sinh con ở bìa rừng, cơ bản thay đổi được nhận thức của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên mấy năm trước vẫn còn rơi rớt lại một, hai trường hợp tập trung ở thôn 2, với lý do chưa tổ chức đám cưới đã mang bầu", ông Lưu Huyền Thoại nói.
Bà Hồ Thị Nhung, 53 tuổi, cán bộ y tế thôn 2, từng sinh 5 người con ở bìa rừng. "Mỗi lần sắp đến ngày vượt cạn, tôi phải chuẩn bị gạo, đồ sơ sinh..., còn chồng thì dựng sẵn một cái chòi ở bìa rừng", bà Nhung kể.
Mọi việc trong quá trình bà Nhung sinh nở đều do hai vợ chồng tự làm, sinh con xong một tháng sau bà mới về nhà.
"Ở thế hệ tôi, mọi phụ nữ Giẻ Triêng đều phải tuân thủ luật tục và có không ít đứa trẻ qua đời sau khi sinh vì điều kiện chăm sóc y tế không tốt. Dân làng cho rằng đứa trẻ mới sinh ra chưa có sức khỏe, hay bị ma theo; nếu phụ nữ sinh con ở nhà ma sẽ về bắt người trong làng, còn ở bìa rừng thì con ma không biết đường đi vào làng", bà Nhung cho hay.
Sau nỗ lực vận động của chính quyền địa phương, luật tục buộc phụ nữ sinh nở ở bìa rừng dần được loại bỏ. Từ năm 2016, phụ nữ Giẻ Triêng có thể yên tâm sinh con ở nhà mà không bị làng phạt vạ.
Là cán bộ y tế thôn, bà Nhung được giao nhiệm vụ nắm bắt trong làng có ai đang mang bầu để đội cán bộ dân số đến gặp, vận động chị em sinh nở tại trạm y tế xã, hoặc trung tâm y tế huyện, sinh nở xong sẽ về nhà thay vì ra bìa rừng.
"Chúng tôi kết hợp giữa tuyên truyền, vận động và biện pháp mạnh, gia đình nào không chấp hành thì cán bộ y tế, dân số sẽ bằng mọi cách để tổ chức đưa đi sinh nở ở trạm xá, rồi lại đưa về nhà. Đồng thời thuyết phục chị em sinh xong phải ở trong nhà ít nhất 10 ngày, hạn chế đi lại trong làng", ông Lưu Huyền Thoại nói thêm.