Một ngày cuối tháng 8, già làng Hồ Văn Ngoài, 70 tuổi, ở thôn 2 xã Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) đi làm lễ cúng đâm trâu cho gia đình anh Hồ Văn Nhấp, thôn 4. Sau ba ngày lễ, ông Ngoài được trả công 5 kg thịt trâu.
"Đây là lần thứ hai trong năm tôi làm thầy cúng lễ đâm trâu cho người dân ở xã. Mỗi lần cúng, tôi được gia chủ chia cho một phần thịt", ông Ngoài nói.
Tục đâm trâu với ý nghĩa chữa bệnh cho người đau ốm, cúng người chết... của người Giẻ Triêng ở xã Phước Thành có từ lâu đời. Theo tục, nếu ai săn bắt đủ 100 con thú; một gia đình trồng lúa nương thu hoạch hơn 100 gùi hay bị sét đánh trúng nương rẫy thì phải đâm một con trâu... Người Giẻ Triêng quan niệm đâm trâu càng nhiều thì thần linh càng phù hộ.
Nguyên là Chủ tịch, Bí thư xã Phước Thành, nhưng ông Ngoài cũng đã hơn 10 lần tổ chức đâm trâu, mỗi đợt tốn kém hàng chục triệu đồng. "Tôi đâm từng ấy còn ít, trong xã có người đâm nhiều gấp mấy lần", ông Ngoài phân trần.
Già làng cho rằng người Kinh hàng năm đến ngày mất cha mẹ thì phải cúng, còn người Giẻ Triêng chỉ đâm trâu cúng một lần rồi không làm nữa. Bất cứ hộ nào có người qua đời cũng phải cúng một trâu. Nếu con cái không đủ tiền làm thì ghi nợ đến đời con cháu thực hiện, nếu không đâm trâu sẽ bị "người chết về đòi và giáng bệnh tật".
Vừa tổ chức lễ đâm trâu, anh Hồ Văn Nhấp cho biết thường hay bị đau ốm, được thầy cúng nói do chưa đâm trâu cúng cha nên bị con ma đòi. Anh đành phải mua con trâu hơn 25 triệu đồng, tự nấu hơn 10 ché rượu cần và hai tạ gạo để làm lễ...
Lễ đâm trâu diễn ra trong ba ngày, anh Nhấp mời tất cả mọi người trong làng đến dự. "Tôi bỏ tiền ra tổ chức đâm trâu để được lành bệnh chứ không thu về được gì. Không có tiền thì vay mượn để làm cho bằng được", anh Nhấp nói.
Chị Hồ Thị Tình, ở thôn 2, cũng hay ốm đau nên đến gặp thầy cúng. Thầy bảo chị ốm do mẹ về đòi trâu nên phải làm lễ đâm trâu mới khỏi. Gia đình chị Tình thuộc diện hộ nghèo nhưng buộc phải có trâu để cúng. Chị đi vay mượn tiền mua trâu, rượu... hết 40 triệu đồng.
Sau lễ cúng, sức khỏe chị Tình không khá hơn chút nào mà bệnh tình còn nặng thêm nên cuối cùng chị phải đến bệnh viện khám. "Bác sĩ nói tôi bị loét dạ dày và điều trị ở bệnh viện hơn một tuần thì đỡ", chị kể và cho biết số tiền nợ đến nay đang chờ vào khai thác vườn quế lớn để lấy tiền trả nợ.
Xã Phước Thành có 450 hộ dân nhưng hơn 60% thuộc diện nghèo, cao nhất huyện Phước Sơn. Sự tốn kém khi phải theo đuổi tục lệ đâm trâu cũng là một gánh nặng tài chính, khiến người dân Phước Thành không thể thoát nghèo.
Những năm gần đây, người dân bắt đầu ra trạm xá khám, lấy thuốc về điều trị mỗi khi đau ốm nên tục cúng trâu chữa bệnh đã giảm. Nhưng những dịp được mùa, cúng người chết, tạ ơn thần linh người dân không bỏ. Chính quyền đã vận động, thuyết phục người dân bỏ tục đâm trâu nhưng gần như không có kết quả, ông Hồ Văn Phức, Phó chủ tịch xã Phước Thành, cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch huyện Phước Sơn cho biết, huyện đang đề nghị các già làng, trưởng bản có uy tín tuyên tuyền người dân không tổ chức đâm trâu cúng chữa bệnh. Huyện Phước Sơn đang giao cho phòng văn hóa nghiên cứu bảo tồn văn hóa, trong đó các phong tục không phù hợp sẽ đưa vào nghị quyết để chỉ đạo, vận động người dân loại bỏ.