Ngày 2/2, đại diện Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết trong 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú, đa số bị bệnh lý mãn tính, hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ.
Giải thích nguyên nhân số người bệnh tăng cao sau Tết, đại diện đơn vị cho rằng lối sống, sinh hoạt thay đổi dịp nghỉ lễ, tiêu thụ nhiều thực phẩm ngọt, chứa nhiều chất béo, tinh bột cộng trời lạnh kéo dài khiến người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh mãn tính trở nặng.
Đặc biệt, thời tiết giá rét dễ làm trầm trọng hơn các bệnh của người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính. Trên cơ địa người già, các chức năng cơ quan, hệ miễn dịch đều suy giảm. Nhiều người có bệnh nền, đặc biệt là các bệnh lí về cơ xương khớp dễ tiến triển bệnh nặng hơn như viêm thấp khớp, thoái hóa khớp..., gây đau đớn và giảm chất lượng sống.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong sinh hoạt, ăn uống ngày Tết khiến nhiều người bệnh mạn tính quên uống thuốc, từ đó ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ... Từ ngày 20 đến 26/1, tại các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội ghi nhận 64 trường hợp tử vong do tuổi cao, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.
Tương tự, bác sĩ Phí Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết trong 3 ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị đã tiếp nhận gần 3.000 trường hợp đến khám, tăng 20-30% so với trước Tết. Các mặt bệnh chủ yếu là rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu, bệnh gút), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng) và đặc biệt là các biến chứng bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não).
Bác sĩ Hải Anh cho hay, trong kỳ nghỉ Tết kéo dài, sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, khó tập trung khi trở lại công việc. Hơn nữa, việc ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt cũng khiến một số bệnh có nguy cơ gia tăng.
"Tết năm nay thời tiết thay đổi thất thường, nhiều đợt lạnh sâu, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm khiến người già, trẻ nhỏ và người có sẵn bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi", bác sĩ Hải Anh nói.
Ngoài các bệnh mãn tính, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, tắc thận, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản liên quan đến rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết thời điểm này còn được gọi là "mùa của xuất huyết tiêu hóa, xơ gan" vì rượu. Việc lạm dụng quá nhiều rượu, bia ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, trong đó gan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp 30 tuổi ở Bắc Ninh bị đột quỵ não vì uống nhiều rượu.
Để có sức khỏe tốt sau Tết, các bác sĩ khuyến cáo những gia đình có người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung vào bữa ăn các loại rau xanh, trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến tình hình thời tiết, mặc trang phục phù hợp để không bị lạnh, dễ mắc các loại bệnh về hô hấp.
Khi tham gia các hoạt động lễ hội, người dân cần chú ý đến hai vấn đề để đảm bảo sức khỏe là tình hình thời tiết và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mùa xuân cũng là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển, các vi sinh vật gây bệnh tăng do thời tiết nồm ẩm, gây nhiều bệnh phiền toái như: Bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm khí - phế quản cấp...), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thủy đậu, nên người dân, nhất là người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần lưu ý.
"Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp cần đi khám theo lịch hẹn để các bác sĩ kiểm tra, phát hiện các thay đổi bất thường, kịp thời điều chỉnh đơn thuốc cũng như tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập, giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh biến chứng", bác sĩ Hải Anh khuyến nghị.
Lê Nga