Ngày 30/1, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước đó, bệnh nhân cho biết uống nhiều rượu nhưng không rõ số lượng, xét nghiệm cho thấy cơ thể không có độc chất methanol.
"Nguyên nhân bệnh nhân nhồi máu não là do uống quá nhiều rượu, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc và bị tắc mạch", bác sĩ giải thích. Sau gần hai ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển nhưng cơ thể vẫn rất yếu và chưa nói được bình thường.
Trường hợp khác là người đàn ông 36 tuổi, uống quá nhiều rượu trong tiệc đầu năm, nằm bẹp một chỗ rồi hôn mê, được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu, một ngày sau chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ cho biết khi say rượu, anh này nằm bất động trong thời gian dài khiến cơ bị chèn ép, tổn thương (tiêu cơ vân) từ đó sinh ra chất gây tắc thận dẫn đến suy thận. Bệnh nhân phải chạy thận, lọc máu.
Bác sĩ cảnh báo nhiều người nghĩ rằng uống rượu thật, rượu xịn thì không ảnh hưởng sức khỏe, nhưng quên là uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tính mạng.
Uống nhiều rượu nhưng không ăn, gây tình trạng "no giả", nghĩa là cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng. Một số người đi ngủ sau khi uống rượu, không ăn khiến chỉ số đường huyết giảm sâu dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não... Rượu cũng tác động đến các chức năng của cơ thể như ảnh hưởng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu; ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp, đường máu, làm mất khả năng kiểm soát...
Bác sĩ khuyến cáo hạn chế sử dụng bia rượu, hoặc chọn rượu rõ nguồn gốc; trước và trong khi uống rượu nên ăn các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết. Người say rượu nếu ngủ quên cần chủ động đánh thức họ, cho ăn cháo loãng, uống nước trái cây... để tránh hạ đường huyết. Người say lâu không tỉnh hoặc không thể ăn uống, ăn là nôn, cần đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Thúy Quỳnh