Khu tập thể của bà ở quận Trung Chính, Đài Bắc xây cách đây 54 năm, dành cho 70 gia đình thu nhập thấp hoặc quân nhân nghỉ hưu.
Bà Lou chia sẻ, đã sống một mình ở đây kể từ khi chồng và con trai duy nhất qua đời. Lương hưu 12.000 Đài tệ và trợ cấp cho người có thu nhập thấp 7.000 Đài tệ, mỗi tháng bà phải trả 7.000 Đài tệ (5,7 triệu đồng) để thuê căn hộ 26 m2 này. Số còn lại chỉ đủ để giúp bà "không đói nhưng cũng không thể ăn ngon mặc ấm".
Theo cách tính của Liên Hợp Quốc, xã hội già hóa là có 7% dân số từ 65 tuổi trở lên, xã hội già và siêu già lần lượt là 14% và 21 % dân số. Tính đến tháng 1/2021, có 16,2% (hơn 3,8 triệu người) dân số Đài Loan trên 65 tuổi và ước tính sẽ đạt 21% vào 2025.
Có hai vấn đề đang được quan tâm với người già ở Đài Loan, đó là một bộ phận sống trong các căn hộ cũ, không có thang máy và một nhóm người vô gia cư. Trong số 8,91 triệu hộ gia đình ở Đài Loan, có 4,49 triệu, tức trên 50,4% sống trong những ngôi nhà ít nhất 30 năm tuổi. Trong số đó có 430.000 người cao tuổi sống trong những ngôi nhà cũ không có thang máy.
Nhiều người gặp khó khăn trong việc đi lại và sống một mình. Với họ, việc sử dụng cầu thang là một thách thức. Theo các nhân viên xã hội, không ít người đã qua đời một mình tại nhà do bệnh tật và không được phát hiện cho đến khi xác chết bắt đầu phân hủy và bốc mùi.
Nhóm người già vô gia cư còn ảm đạm hơn. 23h khuya, nhiệt độ ngoài trời chỉ 15 độ C, Lao Lin, 70 tuổi, đang ngồi trên một số bìa giấy ở gần lối vào ga chính Đài Bắc. Trong khi những người vô gia cư xung quanh đã ngủ say, Lin vẫn không thể chợp mắt vì cái lạnh và đói. Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên, ông rất lịch sự và thân thiện, mặc dù không ngừng run lên.
Lin từng làm nhân viên bán hàng, song nửa năm trước công ty đóng cửa do suy thoái kinh tế, vì thế ông không còn khả năng trả 8.000 Đài tệ thuê nhà. Từ lúc đó ông phải ngủ ở đây và ngày ngày chờ thức ăn từ các đoàn thiện nguyện. Cha mẹ Lin qua đời từ lâu, ông cũng không giữ liên lạc với anh em, nên hiện chỉ mong sớm tìm được việc để lo ăn và ở.
Dựa trên số liệu của các nhân viên xã hội, Đài Loan có 3.000 người vô gia cư, trong đó khoảng 600 người ở Đài Bắc, chỉ riêng ga chính Đài Bắc đang là nơi trú ẩn của 250 người, con số này cao gấp ba trước dịch.
Vì không phải lúc nào cũng đủ ăn nên một số người già vô gia cư trở thành tội phạm. Con số năm 2021 của Sở Ngân sách, Kế toán và Thống kê thành phố Đài Bắc cho thấy tội phạm trên 65 tuổi cao gấp 2,72 lần so với một thập kỷ trước.
Các lý do người cao tuổi phạm tội đôi khi "kỳ lạ" và theo các công tố viên, không loại trừ khả năng họ cố tình làm vậy để được vào tù, giúp họ có chỗ ăn ngủ và được chăm sóc lâu dài.
Trước thực trạng này, các nhóm thiện nguyện đang mở rộng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi trên khắp Đài Loan. Ông Fang Her-sheng, 62 tuổi, chủ tịch Liên minh các ngân hàng thực phẩm Đài Loan, cho biết hiện ông chịu trách nhiệm cho bốn ngân hàng thực phẩm trong thành phố. Tổ chức cung cấp các bữa ăn cho những người già ốm yếu và cũng khuyến khích những người neo đơn đến các trung tâm của họ để ăn cơm chung.
Tại bốn trung tâm, hơn 300 người có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc và không ai mắc Covid-19. Gần đây, Fang đã tổ chức các buổi chia sẻ và hy vọng sẽ nhân rộng mô hình trên khắp Đài Loan. Ông cũng khoe gần đây đã trao 22.000 gói dịch vụ chăm sóc bao gồm thực phẩm khô và nhu yếu phẩm hàng ngày cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhờ được tài trợ.
Tại Trung tâm Sống vui South Airport, người quản lý Pan Meixiang, 55 tuổi cho biết mỗi ngày chuẩn bị 500 bữa ăn cho người vô gia cư, ngoài ra còn cung cấp chỗ ở và hàng tạp hóa miễn phí.
Bà Zheng Xiuzhen, 71 tuổi, người được hưởng lợi từ những nỗ lực của Fang và nhóm của ông, chia sẻ mỗi buổi chiều trong ba năm qua đều có mặt tại đây để lấy bánh mỳ. Bà sống một mình sau khi chồng và mẹ qua đời, hiện làm việc bán thời gian để trang trải cuộc sống. Rất may được trung tâm hỗ trợ, vì thế bà cũng trở thành một tình nguyện viên tại đây để trao giá trị cho người khác.
Giáo sư Cheng ở Khoa Công tác xã hội, Đại học Quốc gia Đài Loan, đánh giá cao các tổ chức phúc lợi xã hội đã kịp thời hỗ trợ người cao tuổi trước thực trạng già hóa dân số và ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời ông nhấn mạnh rằng chính phủ cũng cần tăng cường cơ cấu phúc lợi và mạng lưới an toàn xã hội.
Chuyên gia đưa lời khuyên, Đài Loan có thể học hỏi từ hệ thống Quỹ Bảo trợ trung ương của Singapore và cải cách các chế độ bảo hiểm cho những người già có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác cũng cần tập trung giáo dục tài chính để người trẻ sớm bắt đầu sớm chuẩn bị cho sự an toàn tài chính trước khi đến tuổi nghỉ hưu.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)