Gần một tuần, tôi lang thang trên nhiều tuyến đường to và đẹp, qua những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn, ngước lên những toà nhà mới hình thành khoảng vài năm trở lại đây để tìm kiếm câu trả lời.
Tôi đến đường Bạch Đằng. Khối nhà Pháp cổ vốn là toà thị chính nằm gần khách sạn 36 tầng hình chữ nhật trông hao hao hình hộp nằm cạnh trung tâm hành chính cao 37 tầng từng được lãnh đạo thành phố giới thiệu là "điểm nhấn cho cả khu trung tâm". Khu nhà giả cổ nhái kiến trúc Hội An nằm cuối tuyến phố, với tường vàng và ngói âm dương. Nét đặc trưng nếu có, là một phần đường đã được chia ô cho ôtô đậu đỗ có thu phí theo giờ.
Tôi đi dọc vệt resort bờ biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Nơi này chứa đựng các giá trị du lịch, vốn là linh hồn kinh tế và văn hóa của Đà Nẵng thập kỷ qua. Công trình nào cũng được doanh nghiệp giới thiệu là "tuyệt tác về kiến trúc", nhưng các tuyệt tác này, nếu đúng thế, được trưng bày tùy hứng như trong hội chợ ngoài trời, chứ không phải trong showroom.
Tôi đi qua những làng chài ven biển, khởi nguồn của thành phố. Sau những cuộc giải toả, chỉnh trang đô thị, giờ đây khách sạn cao, thấp khập khiễng mọc lên như nấm sau mưa. Cái thụt ra, cái lùi vào không theo bất kỳ trật tự nào và logic kiến trúc và màu sắc nào.
Còn khu thương mại, dịch vụ sau nhiều tham vọng của lãnh đạo thành phố, vẫn chỉ là những con phố nhộn nhịp người trong sự hỗn độn cảnh quan. Màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng xen lẫn với mái chùa có mái ngói xanh. Lòng đường dần nhỏ lại và biến thành chỗ đỗ xe ôtô.
"Nhiều người bạn đến Đà Nẵng hỏi khu vực trung tâm thành phố nằm ở đâu? Tôi cũng không biết trả lời đồng nghiệp thế nào chứ chưa nói đến khu phố đặc trưng", kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kể.
Cách Đà Nẵng chưa đầy ba mươi cây số, phố cổ Hội An qua nhiều biến cố lịch sử, vẫn giữ được cho mình những ngôi nhà cổ kính bên dòng sông Hoài. Du khách nườm nượp kéo đến, đôi khi chỉ để được uống một ly cà phê, chụp vài tấm hình nhưng vẫn cảm nhận được hồn cốt của đô thị từng là thương cảng nức tiếng một thời. Xa hơn, khu bờ nam sông Hương với Kinh thành Huế làm trung tâm, nhà cửa sớm được khống chế độ cao, giúp giữ được vẻ trầm mặc của mảnh đất kinh kỳ.
Hồn cốt của đô thị thông qua ngôn ngữ kiến trúc, không cần phải lập luận khoa học cầu kỳ, là điều ai cũng có thể cảm nhận và trân trọng.
Có một thực tế đã trở lên phổ biến cho đô thị ở Việt Nam, là sau quy hoạch sẽ phân lô, bán nền. Trên những nền, những lô đó nếu 5 mét thì xây nhà ống, nhiều hơn thì xây biệt thự, nhà vườn,... Trong những kiệt hẻm đường phía trước chỉ chừng vài bước chân, diện tích dăm ba chục mét vuông cũng được rao bán. Chúng sẽ được xây bất kỳ cái gì, theo ý muốn của bất kỳ ai.
Sau những bản quy hoạch được tô vẽ bằng mảng màu sắc xanh đỏ nhỏ li ti, thẩm định và cấp giấy phép, thì dường như những người làm quy hoạch phó mặc việc xây dựng cho kim tiền. Lý lẽ đó là quyền, là tiền của dân, của chủ đầu tư.
Năm 2012, UBND thành phố có quyết định 47, khuyến khích "gìn giữ và tôn tạo các công trình kiến trúc cũ có giá trị văn hóa và lịch sử;... hạn chế và sử dụng có chọn lọc các chi tiết kiến trúc cổ nước ngoài; màu sắc công trình hạn chế tối đa sử dụng các gam màu nóng như vàng, cam, đỏ...". Quy định này chưa rõ đã được thực thi đến đâu, nhưng trước mắt tôi không còn tồn tại.
Tôi nghĩ không phải giới kiến trúc sư quá nghèo nàn ý tưởng, hoặc chưa từng nghĩ đến việc vẽ ra những con phố mang kiến trúc đặc trưng, có hồn cốt. Nhưng họ bị chi phối từ hai phía: chính quyền và theo đặt hàng của chủ đầu tư.
Đó không phải là vấn đề riêng của Đà Nẵng. Khi Quốc hội bàn thảo về mô hình "Kiến trúc sư trưởng", nhiều người nghĩ tới ngay Sài Gòn và Hà Nội. Những cuộc tranh luận về không gian kiến trúc của hai đô thị lớn này đã tiêu tốn giấy mực trong một thập kỷ qua, với việc đập cái gì, xây cái gì. Nhưng việc có "kiến trúc sư trưởng" đúng nghĩa hay không, một người gác cổng cho thẩm mỹ đô thị hay không, còn vô cùng quan trọng với các đô thị đang phát triển: chúng là những tấm toan trắng.
Những toan trắng đó, tại Đà Nẵng, Nam Định, Nghệ An hay Cần Thơ, với phương thức vận hành hiện nay, có nguy cơ bị bôi vẽ kỳ được cho đến khi thành một đống hỗn độn. Bằng phương thức phân lô bán nền, bằng ý chí của chủ đầu tư, bằng tham vọng tạo dấu ấn chính trị của lãnh đạo, bằng mặt bằng thẩm mỹ chung (mà hệ thống giáo dục nhà trường của chúng ta đến nay vẫn đang dạy cho có lệ), trên bức toan trắng đó, người ta sẽ vẽ mái vòm Byzantine, cột Hy Lạp, người ta sẽ lai Frank Lloyd Wright với Tử Cấm Thành, tôn xanh tôn đỏ, ngói hài đầu bảy đặt lên nhôm kính...
Và những tờ giấy trắng đó mới là cơ hội để Việt Nam sở hữu những đô thị có bản sắc, những không gian sống đẹp, trở thành bộ mặt của quốc gia trong tương lai.
Nếu kiến trúc là bộ mặt của xã hội, thì chúng ta có một cơ sở triết học rất kỳ thú cho việc xây dựng cái bộ mặt đó: tiền của tôi (hoặc tôi ký duyệt), đất của tôi (hoặc tôi xin cấp được), gu thẩm mỹ của tôi (hoặc của thầy phong thủy), nhà của tôi – không ai có quyền phê phán.
Một người gác đền kiến trúc như một vị kiến trúc sư trưởng là chuyện bao đồng, xâm phạm vào ý chí tự do của những chủ đất đang muốn kiến tạo "tuyệt tác" hay là điều cần thiết với xã hội? Tôi xin giành câu trả lời cho độc giả phía dưới bài viết này.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, thời còn giữ chức trưởng Viện Quy hoạch thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng, từng được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh "đặt hàng" thiết kế và quy hoạch 2.000 căn biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, tối đến đèn điện phải được thắp sáng choang. Đối xứng về phía rừng Hải Vân phía giáp với địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế là 2.000 căn biệt thự khác.
Ông đã thực hiện lời "đặt hàng", đã tính đến cả phương án đưa đường điện lên đó. Nhưng rồi vị kiến trúc sư quyết định từ chối, sẵn sàng đối mặt với án kỷ luật. Ông tâm sự rằng, khi đó làm theo mệnh lệnh thì đến giờ "không thể hình dung được hình hài hai vệt rừng này".
Nguyễn Đông