Huỳnh Hoàng Quân, quê Đà Nẵng, vừa có chuyến nghỉ hè ngắn về thăm gia đình trước khi quay lại Hà Nội để tiếp tục việc học. Ngày 24/7, Quân bay từ Đà Nẵng về Hà Nội. Ngày 25/7, những thông tin đầu tiên về ca bệnh 418 khiến anh lo lắng và quyết định ở nhà trọ để theo dõi diễn biến. Ngày 26/7, khi bộ Y tế chính thức công bố bệnh nhân dương tính với Covid-19, Hoàng Quân lập tức tải về ứng dụng NCOVI để khai báo y tế. Anh cũng gọi về cho gia đình và yêu cầu mọi người cùng khai báo tình hình sức khoẻ để nhận được hướng dẫn kịp thời của bệnh viện. Hai ngày sau khi khai báo y tế tự nguyện trên NCOVI, Quân được xếp khám và lấy mẫu xét nghiệm ở trạm y tế của phường nơi anh tạm trú.
"So với việc phải đến tận bệnh viện, trạm y tế để khai báo, thực hiện qua ứng dụng tiết kiệm thời gian hơn, mình không phải ra ngoài. Trong trường hợp dương tính mình cũng không sợ lây nhiễm ra cộng đồng. Đội ngũ y tế sau khi nhận được thông tin sẽ lập tức liên hệ với mình nếu thấy có khả năng lây nhiễm cao. Họ gọi điện và hướng dẫn tỉ mỉ khiến mình cũng bớt lo lắng", Quân nói.
Theo thông tin từ Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến 12h ngày 27/7, ứng dụng khai báo y tế NCOVI đã có hơn 7,2 triệu lượt tải về trên hệ điều hành Android và iOS. Ứng dụng truy vết Covid-19 - Bluezone có hơn 260.000 lượt tải.
Trong vòng hai ngày, từ 25 đến 27/7, khi Đà Nẵng công bố những ca nhiễm Covid-19 mới, số lượt tải các ứng dụng này tăng đột biến. Riêng NCOVI đạt 12.000 và Bluezone có 42.000 lượt tải về.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đề nghị tất cả người dân có smartphone tại TP Đà Nẵng cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm. Những người nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân, địa điểm có Covid-19 cũng nên khai báo y tế tự nguyện qua ứng dụng NCOVI hoặc tại website https://tokhaiyte.vn.
Trong hai ứng dụng đang được người Việt sử dụng, Bluezone khai thác công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp giống công nghệ mà Apple và Goolge cùng phát triển hồi tháng 4 vừa qua. Các smartphone cài ứng dụng sẽ trao đổi tín hiệu với nhau trong khoảng cách hai mét và lưu lại nhật ký tiếp xúc. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh sẽ được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, trên thực tế, những ứng dụng truy vết như Bluezone sẽ không đạt kết quả mong muốn nếu có quá ít người sử dụng. Đại học Oxford ước tính, lượng cài đặt phải ở mức 60% dân số trưởng thành mới đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu. Ví dụ ở Singapore, ứng dụng truy vết TraceTogether chỉ có hơn một triệu người tải, tương đương 20% dân số. Con số quá khiêm tốn để ứng dụng có thể phát huy hiệu quả. Ấn Độ, một ứng dụng tương tự thu hút hơn 50 triệu lượt tải về trên Android nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với quy mô dân số 1,3 tỷ của nước này. Kết quả là ứng dụng truy vết chưa đạt được thành công như mong muốn dù tiềm năng rất lớn.
Ở Việt Nam, ứng dụng Bluezone được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu ngày 18/4, sau hơn ba tháng ra mắt chỉ có khoảng 260 nghìn lượt tải về. Con số quá ít so với hơn 95 triệu dân Việt Nam.
Mặc dù không bắt buộc, chính phủ luôn khuyến cáo người dân sử dụng ứng dụng để được cảnh báo sớm về nguy cơ lây nhiễm, tránh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Khương Nha