Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang gặp rắc rối sau khi báo New York Times đưa tin rằng dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Mỹ bị thu thập từ công ty thứ ba là Cambridge Analytica để tạo ra những nội dung mang tính ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Điểm đáng chú ý là đa số người dùng không hề hay biết hoặc có động thái cho phép dữ liệu của họ bị thâu tóm. Thực tế, Cambridge Analytica đã trả tiền cho một nhà tư vấn để lấy thông tin và người này nói với Facebook rằng ông ta sử dụng dữ liệu cho mục đích nghiên cứu, học thuật.
Vấn đề được đánh giá nghiêm trọng và có thể CEO Mark Zuckerberg hoặc COO Sheryl Sandberg sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Cổ phiếu Facebook cũng lao dốc 7% trong phiên giao dịch ngày 19/3, khiến Zuckerberg mất 5 tỷ USD. Tuy nhiên, người dùng Facebook nói chung vẫn tỏ ra chẳng quan tâm.
"Dịch vụ của các công ty lớn như Google, Facebook, Apple hay Amazon đang đạt tới ngưỡng được sử dụng như những tiện ích, trở thành một phần, một thực tế của cuộc sống", chuyên gia phân tích Omar Akhtar giải thích trên Yahoo Finance.
Tính đến hết quý IV/2017, Facebook có tới 2,13 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu. 1,4 tỷ trong số đó truy cập Facebook hàng ngày để kết nối với bạn bè, người thân cũng như theo dõi những gì đang diễn ra trên mạng xã hội. Con số này tăng 2,18% so với quý trước đó, bất chấp những ồn ào xoay quanh việc mạng xã hội này bị quy trách nhiệm cho việc "dìm hàng" các kênh truyền thông chính thống, phát tán tin tức giả mạo, gây bức xúc, chia rẽ xã hội. Nổi bật là vụ bê bối chưa có hồi kết về vai trò của Facebook đến đâu trong việc tác động tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Nói cách khác, scandal vẫn cứ diễn ra, nhưng không tác động gì tới thói quen sử dụng Facebook của người dùng. Bê bối mới nhất chỉ khiến Facebook đau đầu với các nhà đầu tư và giới quảng cáo.
Trên Twitter cũng như nhiều mạng xã hội khác, hashtag #DeleteFacebook đang được một số người chia sẻ để kêu gọi cùng nhau xóa tài khoản Facebook của mình. Nhưng như chuyên gia Akhtar giải thích, mạng xã hội này đã quá phổ biến và ăn sâu vào đời sống con người, nên đối với đa số người dùng khác, họ chẳng bỏ Facebook nếu chỉ vì hãng này gặp rắc rối pháp lý nào đó.
Tuy vậy, dù vẫn thường xuyên truy cập Facebook, người dùng cũng bắt đầu hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân. Từ năm 2016, tạp chí Fortune cho biết Facebook đang gặp khó khăn khi số lượng nội dung mà các thành viên cập nhật (personal update) giảm tới 21%. Tạp chí này cho rằng một trong những nguyên nhân nằm ở sự chuyển đổi giữa các nội dung riêng tư và công khai bởi người dùng hiểu rằng những gì họ đăng lên sẽ có nguy cơ bị thu thập và lưu lại, gây bất lợi cho họ về sau.
Sự sụt giảm số lượng nội dung cá nhân cũng là lời nhắc nhở rằng, dù Facebook đang thống trị mạng xã hội thì tương lai cũng không có gì đảm bảo vị trí đó cho họ.