"Tôi cần 50 người thể hiện tình cảm với bài viết của tôi bây giờ", một quản trị viên nhóm Facebook có hơn 75.000 thành viên ở Baltimore đăng cuối tháng 3. Nội dung lập tức có hàng trăm lượt tương tác cảm xúc và bình luận.
"Tôi sẵn sàng hỗ trợ", một người bình luận, trong khi một thành viên khác nói: "Nỗ lực giúp đỡ nhau hết mình thôi". Phần bình luận có nhiều nội dung không mang nhiều ý nghĩa, nhưng xuất hiện liên tục kèm các biểu tượng cảm xúc (reaction).
Theo ghi nhận của Business Insider, những nhóm kể trên xuất hiện tràn lan trên Facebook. Họ không tương tác vì nội dung thú vị hoặc có ích, mà vì vấn đề tiền bạc. Đây đều là những tài khoản đủ tiêu chuẩn của một nhà sáng tạo, có thể bật tính năng kiếm tiền - chức năng Meta đang triển khai trên nền tảng.
Tuy nhiên, thay vì sáng tạo nội dung, những người này chỉ tìm cách tăng phạm vi tiếp cận một cách giả tạo bằng cách lập hội nhóm để "tương tác chéo". Fanpage hoặc trang cá nhân của những người này "trông có vẻ sôi động" với hàng nghìn người theo dõi. Mỗi bức ảnh, bài đăng của họ đều thu hút nhiều nhận xét và phản ứng. Nhưng sự tương tác đó chủ yếu là từ những người sáng tạo khác cũng đang tìm kiếm sự có đi có lại, thay vì thực sự ấn tượng với nội dung.
"Hãy tăng các chỉ số và kiếm tiền từ Meta trước khi họ thay đổi", một người viết trên nhóm Facebook hơn 200.000 thành viên.
Dùng biệt ngữ để lách luật
Tính năng trả tiền cho nhà sáng tạo được Meta thực hiện từ 2021. Tháng 3/2023, khi Facebook đạt hai tỷ người dùng hàng tháng, Giám đốc Tom Alison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà sáng tạo nội dung và tăng chi tiền để giữ chân họ. Các bài đăng của họ sẽ được trả tiền dựa trên lượt tương tác. Khoản tiền này ban đầu được giới hạn ở mức 30.000 USD một tháng, sau tăng lên 55.000 USD. Kể từ tháng 2, mọi giới hạn bị loại bỏ.
"Truy cập trang của tôi, thích và nhận xét về năm bài đăng của tôi, sau đó tôi sẽ làm điều tương tự cho bạn", một tài khoản viết trên nhóm có gần 60.000 thành viên và được hưởng ứng.
Để tránh bị kiểm soát, những người này sử dụng biệt ngữ, như F4F (follow-for-follow), tức theo dõi tôi và tôi sẽ theo dõi lại; R4R (Reels-for-Reels) - xem và tương tác với video Reels của nhau; hay 10/10 là yêu cầu ai đó tương tác với 10 bài đăng để đổi lấy điều tương tự. Ngoài ra, người dùng được khuyến khích dùng AI để tạo nội dung, chẳng hạn động vật, ảnh tạo cảm xúc.
"Khi đăng bài để tương tác, vui lòng không sử dụng từ ngữ thông thường", một quản trị viên nhóm có gần 100.000 thành viên viết.
Không chỉ tương tác ảo, một số người không muốn tốn thời gian tạo tài khoản và chờ duyệt tính năng kiếm tiền đã chuyển sang mua tài khoản Facebook đủ điều kiện. Việc mua bán này bị Facebook cấm, nhưng khó quản lý.
Người phát ngôn Meta cho biết nền tảng nghiêm cấm tương tác ảo và đang điều tra vấn đề. Tuy nhiên, công ty không đề cập chi tiết.
"Chỉ cần kiếm ra tiền, tình trạng lách luật vẫn diễn ra. Mọi thứ giống như trò đập chuột. Khi loạt tài khoản này bị cấm, một loạt khác sẽ nổi lên", một chuyên gia về mạng xã hội nói với Business Insider.
Bảo Lâm