Retail Gazette đưa ra dự đoán thương mại điện tử ba tháng cuối năm 2021 sẽ tăng trưởng ít nhất 10,7%. Đây được xem là đỉnh cao kỷ lục mới của ngành cũng như tín hiệu tích cực cho các nhà bán lẻ.
Cuối năm là thời điểm hoạt động khuyến mãi kích cầu mua sắm diễn ra sôi động trên các trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các đợt giảm giá dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... trên nền tảng trực tuyến cũng hứa hẹn hấp dẫn với người tiêu dùng. Trong đó, hàng tạp hóa trực tuyến được dự báo là phân khúc phát triển nhanh nhất.
Nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm
Theo khảo sát do Facebook hợp tác YouGov thực hiện trực tuyến từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, tại Việt Nam, 82% số người tham gia khảo sát cho biết họ chủ động tìm kiếm các ưu đãi giảm giá trong mùa mua sắm cuối năm, thường bắt đầu từ 10 ngày trước đó. 70% tin rằng Tết là thời điểm săn lùng những chương trình ưu đãi tốt nhất. Trên thực tế, các doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng tăng gần 2-3 lần so với ngày thường trong ba ngày hội mua sắm online tiêu biểu: 11/11, Black Friday (ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 11) và 12/12.
Ngoài ra, 77% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên tìm hiểu thêm nhiều nhóm sản phẩm ngành hàng khác nhau trong mùa mua sắm cuối năm hơn các thời điểm khác trong năm. 79% cho biết họ có thể sẽ thử các nhãn hiệu mới khi mua sắm cho mùa Tết. Dịp Tết, trải nghiệm mua sắm đa kênh đặc biệt có ý nghĩa với người dùng Việt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. 82% người mua hàng Tết cho biết họ thường nghiên cứu những thứ họ muốn mua trên các kênh trực tuyến trước khi mua tại cửa hàng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng Việt lựa chọn mua online nhiều nhất là thực phẩm (52%); quần áo, giày dép, mỹ phẩm (43%); thiết bị đồ dùng gia đình (33%)... Trong số các kênh mua sắm online, website thương mại điện tử và các sàn giao dịch thương mại điện tử năm qua đã có mức tăng vượt bậc với tỷ lệ người mua tăng vọt từ mức 52% lên 74%.
Những tháng cuối năm được coi là thời điểm "vàng" cho cả người tiêu dùng và những nhà bán lẻ, doanh nghiệp. Bắt tay nhau tổ chức sự kiện khuyến mãi quy mô lớn vào thời điểm ngày và tháng trùng số đang là xu hướng mà các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai. Xuất phát từ trào lưu Ngày Độc thân 11/11 hàng năm, các sàn mở rộng "cuộc đua" khuyến mại với các ngày như 9/9, 10/10 và 12/12...
Gần đây, với lễ hội mua sắm 9/9, các sàn thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận nhu cầu shopping online mạnh mẽ của người dùng. Đơn cử, Lazada ghi nhận doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Bên cạnh những sản phẩm hỗ trợ việc học và làm tại nhà như laptop, dụng cụ học tập, các khóa học online thì sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trang điểm và thiết bị thể thao cũng được mua nhiều dịp này.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện tại, sàn thương mại điện tử càng có tiềm năng bứt phá khi mùa lễ hội cuối năm tới gần với nhu cầu mua sắm của người dân không ngừng tăng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng mới và gia tăng doanh số, khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đều tăng vọt.
Lợi thế khi mua sắm trên thương mại điện tử dịp cuối năm
Tiết kiệm thời gian, tiếp cận đa dạng mặt hàng, hưởng nhiều ưu đãi từ các website thương mại điện tử... là lý do ngày càng nhiều người chọn mua sắm online dịp cuối năm.
Theo nghiên cứu của Facebook, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì an toàn và thuận tiện hơn để chuẩn bị cho dịp Tết 2021. 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến và từ xa để gửi quà...
Hiện nay, chỉ cần click chuột vào bất kỳ trang thương mại điện tử nào, người tiêu dùng cũng có thể thuận tiện đặt hàng với những mức chiết khấu. Vào những dịp khuyến mãi kích cầu mua sắm, mức giảm sâu càng thu hút các tín đồ mua sắm online.
"Bật mí" cách mua hàng có lợi nhất trên các sàn thương mại điện tử, chị Nguyễn Thùy Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cần phải thành thạo các ứng dụng mua sắm điện tử và các khung giờ giảm giá như 6h, 9h sáng, 12h, 21h... "Mức chiết khấu của các đơn vị phân phối trên sàn thương mại chỉ lên đến khoảng 50-60%. Nhưng nếu biết cách lấy các mã khuyến mãi từ shop, mã vận chuyển miễn phí và thanh toán qua ứng dụng thứ ba như ví điện tử, mã QR... người mua có thể được chiết khấu thêm 5-15%", chị Linh chia sẻ.
Ngoài ra, các sàn đều tận dụng tối đa xu hướng mua sắm kết hợp giải trí thông qua game, livestream, tổ chức show ca nhạc... bên cạnh việc tặng mã giảm giá, ưu đãi vận chuyển... Điển hình như trong lễ hội mua sắm 9.9 "Siêu sale chính hãng, hạ cánh LazMall" vừa qua, chương trình "Lazada 99 SuperShow" và chuỗi livestream "Siêu hội chém giá" đã thu hút hơn 5 triệu lượt người xem trên ứng dụng. Doanh thu bán hàng trên livestream tăng gấp 22 lần. Trong đó, kỷ lục bán hàng trên livestream cũng được thiết lập, chỉ trong 2 tiếng đồng bán được hơn 700 triệu đồng.
Giao hàng miễn phí cũng là một trong những ưu điểm khiến người dùng hướng đến mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Thậm chí, người dùng còn mong muốn có thể nhận hàng sớm, nhất là sau thời gian một số địa phương siết chặt không cho nhân viên giao nhận (shipper) hoạt động. Theo đó, các sàn thương mại điện tử đang nỗ lực chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ "nút thắt" vận chuyển và tái kích hoạt vận hành logistics để đưa quy trình mua-bán trở lại trạng thái "bình thường mới" nhanh chóng.
Trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, Lazada có ưu thế khi sở hữu bộ phận giao nhận riêng, Lazada Logistics, mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác thứ ba. Hệ thống này có thể tự vận chuyển gần 80% lượng đơn hàng của sàn. Lazada Logistics cũng triển khai nhiều phương án gồm tăng cường sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục trong một tuần, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế lộ trình di chuyển của shipper.
Sau 9/9, lễ hội mua sắm cuối năm còn kéo dài với các sự kiện 10/10, 11/11, 12/12; Giáng sinh; Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thương mại điện tử sẽ vẫn là kênh lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Nắm bắt nhu cầu người dùng, các sàn thương mại điện tử sẽ nỗ lực triển khai nhiều chương trình giảm giá sâu, kết hợp với các đối tác để hỗ trợ tối đa người mua. Theo đó, người dùng cần tận dụng tốt các ưu đãi từ phía sàn thương mại điện tử cũng như đối tác để thỏa mãn nhu cầu mua sắm mà vẫn đảm bảo tình hình tài chính của bản thân.
An Nhiên