Mua thiết bị đầu thu mới khi Đà Nẵng chính thức tắt sóng các kênh truyền hình analog, anh Tiệp ở đường Nguyễn Hữu Thận (giáp sân bay thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê) phải nhờ người quen đến lắp đặt, nhưng sau đó vẫn loay hoay với việc sử dụng, chưa kể chất lượng một số kênh đang xem bỗng bị nhiễu sóng.
Trong khi đó chị Lan (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết phải xem nhờ TV hàng xóm mấy hôm nay vì nhà chưa mua đầu thu. "Tôi có ra cửa hàng điện tử hỏi nhưng thấy có đến 5, 7 loại, giá cả khác nhau mà không biết chọn loại nào. Chắc phải đợi cuối tháng con trai học ở TP HCM về nó lắp cho, rồi còn hướng dẫn sử dụng, chứ mình tôi thì chịu".
Theo ông Hoàng, chủ một cửa hàng điện tử trên đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng, thường cửa hàng phải cử thợ xuống tận nhà dân để lắp, rồi hướng dẫn cho từng nhà bởi một số người mua về tự làm nhưng không bắt được, chất lượng sóng kém hay chưa thu đủ kênh miễn phí. "Không ít bà con gặp khó vì phải làm quen với thiết bị mới. Bình thường bật TV lên là xem, giờ phải chuyển chế độ rồi dùng thêm điều khiển từ xa khác, kể ra cũng hơi rườm rà nếu mới dùng".
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn hóa trên 40 mẫu đầu thu, nhưng mới đưa ra thương mại hóa khoảng 23 mẫu trên toàn quốc. Đa số đầu thu trên thị trường Đà Nẵng là chuẩn hóa, nhưng vẫn còn một số mẫu trôi nổi.
"Chúng tôi có khuyến cáo bà con khi mua nên chọn những mẫu đã được chuẩn hóa, nhận biết bằng sản phẩm được dán tem chất lượng. Nếu có vấn đề gì cảm thấy không bình thường thì gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng 1022 để được giải đáp, hướng dẫn thông tin cụ thể", ông Cẩm nói.
Theo ông, mười ngày qua có 4 trường hợp người dân gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh chất lượng đầu thu. "Những đầu thu này không phải do thành phố hỗ trợ, mà do người dân mua ngoài thị trường từ khi cắt sóng truyền hình tương tự", ông Cẩm cho biết. Nhiều người mua nhầm đầu thu thế hệ DVB-T thường phàn nàn là khi mua đầu thu thế hệ DVB-T chỉ thu được chủ yếu các kênh của VTC, trong khi những nhà xung quanh mua đầu thu DVB-T2 xem được cả các kênh VTV. "Sau khi giải thích, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân đến nơi mua để đổi lại thiết bị", ông Cẩm nói và cho biết hiện tại đa số người dân đã hiểu và có thể hỗ trợ nhau trong việc sử dụng đầu thu mới, cũng như truyền hình số. Nếu như trong tuần đầu tiên tắt sóng các kênh truyền hình analog, người dân gọi điện đến đường dây nóng 1022 bình quân 200 cuộc/ngày, thì những ngày gần đây đã thưa dần.
Theo vị Giám đốc Trung tâm, chất lượng sóng dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng tương đối hoàn chỉnh và phủ rộng hơn so với hệ thống cũ. Đà Nẵng đã phủ thêm hai trạm ở Hòa Bắc và Hòa Sơn. Tuy nhiên, ở hai điểm là Tà Lang - Giàn Bí của xã Hòa Bắc trước đây cũng không có sóng tương tự, mới đây Trung tâm đã khảo sát để đề xuất phủ thêm trạm.
Ông Cẩm nói, qua 10 ngày cắt sóng truyền hình tương tự, Đà Nẵng có sự chuẩn bị tuy cập rập nhưng kỹ lưỡng nên không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, về lâu dài, phải làm thêm các trạm lọc, vì những nhà cao tầng che khuất sóng sẽ ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh, chưa kể đến những vùm lõm sóng, vùng núi che. "Như tại Paris (Pháp), con số trạm lọc ở trung tâm lên đến hàng ngàn. Do đó mình cũng phải tính toán trước để có hướng lắp đặt phục vụ người dân", ông Cẩm nhấn mạnh.
Gặp những khó khăn ban đầu trong khâu lắp đặt và sử dụng, tuy nhiên số hóa truyền hình giúp người dân được sử dụng dịch vụ với chất lượng cao. "Hình ảnh sắc nét, bắt được nhiều kênh hơn mà không mất phí xem mỗi tháng nên người dân khá hào hứng, dù phải chi khoảng 400.000 đồng mua đầu thu", ông Hoàng, chủ cửa hàng điện tử chia sẻ. "Hiện có nhiều kênh HD phát theo chuẩn 16:9 xem tốt hơn hẳn, không còn bị "lùn hình" như trước đây".
Truyền hình số mặt đất DVB-T2 vẫn có thể xem được khi trời mưa, thời tiết xấu, ăng-ten thu sóng không cần quá lớn và tại một số nơi gần trạm phát còn có thể đặt trong nhà. Ngoài ra, người dùng còn có thể theo dõi lịch phát sóng trên các kênh và một số tính năng mở rộng khác. "Tuy nhiên mong mỏi lớn nhất là xem ổn định, sóng khỏe. Làm dịch vụ nên tôi biết, nhiều bà con vẫn gọi điện hỏi mỗi khi không xem được hay nhiễu sóng", ông Hoàng bộc bạch.
Từ ngày 1/11/2015, TP Đà Nẵng và bốn huyện bắc Quảng Nam (gồm TP Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc) là nơi đầu tiên trong cả nước ngừng phát sóng truyền hình tương tự đã phục vụ người xem trong hàng chục năm nay để chuyển sang truyền hình số mặt đất. Ngoài ra đến 31/12/2015, Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ kết thúc phát sóng các kênh chương trình analog để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số.
Giai đoạn hai của lộ trình số hóa sẽ kết thúc trước ngày 31/12/2016 bao gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Giai đoạn 3 và 4 hoàn thành vào 31/12/2020 và áp dụng với các tỉnh còn lại trên cả nước.