Chị Thủy cho hay, "mặc dù có nghe về chủ trương này cách đây cả tháng nhưng tôi không nắm rõ, nay TV không xem được gì, hỏi mọi người mới biết mình phải mua thêm đầu thu hoặc đổi TV mới".
Theo ông Hoàng, chủ một cửa hàng điện tử trên đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng, những ngày vừa qua lượng người hỏi thông tin và tìm mua đầu thu rất đông. "Không ít người khi thấy TV không xem được mới biết là toàn thành phố đã cắt truyền hình cũ, chuyển sang truyền hình số. Lúc này bà con mới tìm mua đầu thu, nhờ thế doanh số bán của cửa hàng cũng tăng lên cả trăm chiếc mỗi ngày".
Từ ngày 1/11/2015, TP Đà Nẵng và bốn huyện bắc Quảng Nam (gồm TP Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc) là nơi đầu tiên trong cả nước ngừng phát sóng truyền hình tương tự đã phục vụ người xem trong hàng chục năm nay để chuyển sang truyền hình số mặt đất. Mặc dù đề án được lên kế hoạch triển khai sớm, có nhiều chương trình tuyên truyền cho người dân, song vẫn còn những hộ gia đình chưa nắm rõ về số hóa truyền hình.
Ông Phạm Trường Quốc Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, cho biết tổng đài 0511.1022 được giao nhiệm vụ giải đáp thông tin về truyền hình số mặt đất. Tính bình quân 3 ngày vừa qua, mỗi ngày có trung tâm nhận trên 200 cuộc gọi của người dân về số hóa truyền hình qua số tổng đài hoặc 1900.9496. "Cao điểm nhất là ngày 1/11, khi có đến gần 400 cuộc gọi của người dân. Họ hỏi để xem được truyền hình số thì phải làm gì, hiệu quả của truyền hình số ra sao?", ông Vương nói và cho biết ngoài những thông tin giải đáp, nhân viên tổng đài cũng giải thích cặn kẽ cho người dân về TV mới đã có tích hợp sẵn, còn TV cũ phải mua thêm đầu thu để hỗ trợ.
Theo ông Vương, trước đây người dân cũng thường xuyên gọi điện đến tổng đài để hỏi những thông tin liên quan đến truyền hình mặt đất là gì. Nhưng từ khi chính thức cắt sóng truyền hình analog, lượng người dân quan tâm đến truyền hình gọi điện đến tổng đài tăng đột biến.
Số hóa truyền hình là quá trình chuyển từ truyền hình tín hiệu tương tự (analog) sang truyền hình kỹ thuật số. Với công nghệ tín hiệu mới, chất lượng và âm thanh được phát đi sẽ tốt hơn (nhiều kênh trên cùng tần số), không còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. So với chuẩn truyền hình số hiện nay là DVB-T, thế hệ thứ hai DVB-T2 tăng dung lượng tối thiểu 30% trong cùng điều kiện thu sóng.
Chuyển sang công nghệ mới, người xem truyền hình phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ chuẩn DVB-T2. Với các TV trước đây cần mua thêm đầu thu (set-top box), trong khi đó các TV đời mới đã được tích hợp sẵn bộ giải mã này bên trong. Để thúc đẩy lộ trình số hóa truyền hình, từ tháng 4/2014 thì các TV từ 32 inch trở lên bán ở Việt Nam đều hỗ trợ DVB-T2.
Phải sắm thêm đầu thu với các TV thế hệ cũ nhưng nhiều người tỏ ra hào hứng với việc chuyển đổi sang truyền hình số. "Truyền hình mới xem được nhiều kênh, hình ảnh cũng sắc nét hơn mà còn theo dõi được cả lịch phát sóng. Ngoài ra, chi phí từ 400.000 đồng hoặc 600.000 đồng là có đầu thu loại tốt rồi, lắp đặt nhỏ gọn, nhanh chóng nên bà con không thấy phiền hà nhiều", ông Hoàng, chủ cửa hàng điện tử chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, tại các khu vực trung tâm thành phố, không ít gia đình sắm TV đời mới có sẵn đầu thu bên trong nên lúc cắt truyền hình tương tự mọi người không phải mua thêm thiết bị. Bên cạnh đó, với những người đang dùng truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh thì việc ngừng phát sóng truyền hình analog gần như không gây ảnh hưởng.
Theo lộ trình số hóa truyền hình, đến 31/12/2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ kết thúc phát sóng các kênh chương trình analog (tương tự) để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Giai đoạn hai của lộ trình số hóa sẽ kết thúc trước ngày 31/12/2016 bao gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Giai đoạn 3 và 4 hoàn thành vào 31/12/2020 và áp dụng với các tỉnh còn lại trên cả nước.
Tại Hội nghị triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, số hóa truyền hình mặt đất đang là xu thế tất yếu, nhiều nước trên thế giới đã coi đây là con đường bất khả kháng. Việc số hóa sẽ mang lại cho người dân những chương trình chất lượng cao hơn.
Từ năm 2009 đã có rất nhiều quốc gia đưa DVB-T2 vào phát sóng thử nghiệm và đến nay nhiều nước bắt đầu triển khai truyền hình số mặt đất đều lựa chọn tiêu chuẩn DVB-T2 như Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các nước Đông Âu... Những nước đã triển khai phát sóng DVB-T đều có kế hoạch chuyển dần sang phát sóng tiêu chuẩn DVB-T2 và không tiếp tục mở rộng mạng DVB-T.
Nguyễn Đông - Đình Nam