Độc giả nickname Người Xa Lạ, đang sống ở Đức, chia sẻ bài viết về lý do người dân nước này không còn nghiện việc:
Trước đây khi mới sang Đức theo diện đoàn tụ với chồng, tôi đã thấy người dân không còn nghiện việc nữa. Sự "nghiện việc" của họ so với người Hàn Quốc, Nhật Bản thì không bằng.
Tôi nhận thấy, họ làm ra làm, chơi ra chơi. Khi làm hiệu quả và năng suất công việc rất cao và hết việc thì nghỉ. Không tăng ca, không làm thêm ngoài giờ. Phần lớn họ theo đuổi công việc vì đam mê là chính.
Lấy vài ví dụ: Chồng tôi là người Đức, cách đây 20 năm làm cho công ty, lương cao nhưng phải xa nhà nếu công ty cần, chưa kể điều kiện ở không tốt (nghĩa là ở chung căn hộ với nhiều nhân viên khác dù mỗi người mỗi phòng). Điều này gây căng thẳng sau giờ làm, làm cho chồng tôi không được yên tĩnh, gọi nôm na là không riêng tư.
Chồng tôi đã yêu cầu công ty phải đảm bảo chỗ ở tốt hơn và công ty đã thuê khách sạn cho anh ấy mỗi khi đến một thành phố khác. Được một thời gian, có khách hàng ở nước láng giềng và họ muốn anh sang đó làm việc.
Chồng tôi không đồng ý và nghỉ việc. Sau đó anh ấy tự kinh doanh riêng cho tới giờ.
Tóm lại, lương cao không phải là điều cần thiết với người Đức nữa. Lương cao nhưng phải đi kèm điều kiện làm việc phải tốt, giờ làm ít thì mới hấp dẫn được người lao động.
Chị dâu của chồng cũng là người Đức, làm việc ở cây xăng, nghĩa là khi mọi người tự đổ xăng ở phía trước sẽ đi vào cửa hàng bên trong trả tiền. Cửa hàng này như một siêu thị thu nhỏ, bán thức ăn nhanh và cà phê cho khách.
Chị làm theo theo ca, 8 tiếng một ca. Làm ba ngày thì nghỉ hai ngày rồi đổi ca. Chị luôn than phiền mệt mỏi vì làm như vậy là nhiều quá nhưng được cái lương cao nên chị không nghỉ làm.
Tất nhiên là chị chỉ làm nhiêu đó thôi, không bao giờ muốn làm thêm giờ. Sau giờ làm chị không nấu ăn hay làm việc nhà hoặc làm vườn gì cả, chỉ thích nghỉ ngơi và ngủ, chồng làm hết, kể cả chăm con. Phụ nữ Đức phần lớn là thế.
Anh chồng là huấn luyện viên bóng đá cho đội năng khiếu của thành phố. Công việc của anh thường làm theo ca sáng hoặc chiều, thường đi xa nhà vì phải dẫn đội bóng đá giao lưu, thi đấu rất mệt mỏi và không có thời gian nhiều cho gia đình.
Nói thì nói vậy nhưng tôi thấy anh ấy vẫn cùng chồng tôi làm vườn, vẫn đi du lịch và ăn uống nướng thịt ngoài trời vào cuối tuần. Rồi còn đi câu cá với ba chồng tận vùng biển Thụy Điển xa. Thỉnh thoảng mới đi làm xa mà thôi, được cái lương cũng ổn và công việc là đam mê của anh ấy nên anh ấy theo đuổi nó.
Ba chồng tôi trước đây làm thợ bánh mì. Mẹ chồng làm công nhân hãng may. Nay ông bà đã nghỉ hưu. Lương hưu mỗi tháng 1.200 euro một người. Trong khi chi phí sinh hoạt và giá cả thức ăn ở Đức rẻ so với các nước láng giềng nên họ sống rất thoải mái.
Mẹ chồng tôi mỗi ngày làm vườn. Ba chồng cũng vậy, ngoài ra ông có sở thích chạy xe mô tô phân khối lớn và lái thuyền ra biển Baltic câu cá. Những sở thích có từ thời trẻ. Sau giờ làm là ông thực hiện đam mê. Thời mấy mươi năm trước tới sau này ông bà cũng không làm thêm giờ hay tăng ca gì hết.
Xin chia sẻ với các bạn là vì sao hiện nay mọi người không thích làm việc nhiều?
Thứ nhất, theo chồng tôi nói, làm nhiều thì đóng thuế và các loại bảo hiểm nhiều, chưa kể chi phí các loại như xăng xe, nhà cửa phải chi.
Theo luật, nếu mỗi năm tổng thu nhập 10.000 euro thì đóng thuế rất ít, gần như không đóng. Với thu nhập này thì chỉ cần làm 4 tiếng một ngày là đủ. Và khi tự kinh doanh thì sẽ chủ động được thời gian làm việc và thu nhập của mình cũng như các chi phí khác.
Ở đây, tôi không chia sẻ chi tiết được vì có chút riêng tư. Tóm lại làm nhiều thì tiền thu được không nhiều và khi về hưu cũng bằng như người làm ít và người không làm gì cả. Làm thêm giờ thì tiền thuế đóng thêm giờ cao hơn nữa. Tình trạng không muốn làm nhiều, theo chồng tôi thấy, xuất hiện cách đây khoảng 25 năm trở lại.
Thứ hai, người Đức có văn hóa nghỉ dưỡng gọi là Urlaub vào dịp hè và đông. Chưa kể từ chiều thứ sáu đến chiều chủ nhật mỗi tuần, họ phải nghỉ ngơi cùng gia đình.
Mùa hè thì ra vườn nướng thịt, ăn bánh ngọt và uống cà phê, có thể ngủ lại đây vì có nhà với đầy đủ tiện nghi. Hoặc đi chèo thuyền, đạp xe, cắm trại, dã ngoại, tắm hồ biển... Mùa đông đi trượt tuyết.
Tóm lại là nghỉ ngơi và vui chơi, ít nghiện mạng xã hội. Làm ít chơi nhiều. Bởi vậy họ không bị stress, không nóng giận, không bị kích động vì một hành động trái ý nào. Thái độ rất ôn hòa, điềm tĩnh.
Ở Đức, theo luật có từ lâu đời, mọi hoạt động làm việc bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc 16-18h. Vào thứ bảy, các cửa hàng buôn bán nghỉ lúc 14h. Chủ nhật không hoạt động (trừ cây xăng, nhà hàng, sở thú...).
Mục đích cho người dân nghỉ ngơi với gia đình. Vì vậy, tầm 18h mỗi ngày và cuối tuần đường phố vắng hoe. Vì vậy nghiện làm việc như người Hàn, Nhật là không có.
Khi tôi hỏi chồng, nếu ai cũng không thích làm nhiều thì nhà nước dựa vào đâu để tồn tại như thế nào? Chồng tôi nói: vào lao động nước ngoài. Với họ, việc làm nhiều hoặc làm tăng ca hoặc làm thêm giờ, họ đã quen rồi vì ở nước họ, họ cũng từng làm như vậy. Và lương sau thuế nhận được cao hơn ở nước họ nên họ rất sẵn sàng làm.
Chưa kể cuộc sống ở Đức tốt hơn, phúc lợi an sinh tốt, chi phí nuôi con gần như rất ít, thức ăn rẻ, đồ dùng rẻ nên thu nhập như vậy là tốt với họ. Họ có thể tiết kiệm để giúp người thân ở nước họ.
Về công việc, phần lớn những việc tốt hoặc chủ chốt là người Đức đảm nhận. Người trẻ hiện giờ không thích làm những việc tay chân như làm nail (nhất là chăm sóc chân cho khách), làm thợ xây dựng, làm thợ cầu đường vì nắng nóng vì dơ bẩn, làm điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân (nếu có cũng là số ít).
Nhất là dọn dẹp vệ sinh ở các công ty, trường học, siêu thị... Dân số giảm cùng với việc không nghiện việc, không thích làm những việc kể trên nên thiếu lao động trầm trọng và phải sử dụng lao động nước ngoài thay thế.
Lấy một ví dụ: Bạn người Đức cùng lớp với con trai tôi rất yêu thích công việc làm lính cứu hỏa. Nên dù là học sinh giỏi nhất khối vẫn nghỉ ngang lớp 9 để vào trường vừa học vừa làm, để nhanh thực hiện đam mê. Vì vậy người Đức họ thích gì thì làm, không vì gia đình, vì việc tốt, vì được cái tiếng hay lời khen của ai cả.
Theo quy định, công việc gì cũng vậy, đều được trả 12,40 euro mỗi giờ trước thuế. Với học sinh lớp 8, lớp 9 có kỳ thực tập từ một đến hai tuần tại bất kỳ nơi nào học sinh thích, thì nơi đó tiếp nhận và không trả lương. Nhưng nếu học sinh lớp 9 ra học trường nghề, vừa học vừa thực tập thì chủ phải trả lương và luôn thấp hơn 12,40 euro, tùy vào mỗi công ty và công việc đó.
Về phúc lợi, nếu một người Đức hoặc người tị nạn không đi làm đều được nhà nước lo chi phí ăn, ở, phí sinh hoạt mỗi tháng, các loại bảo hiểm, cũng mua được xe hơi đi lại vì giá xe bình thường rẻ. Cũng có tiền đi nghỉ dưỡng.
Những đứa trẻ sống tại Đức được nhà nước cho 250 euro một tháng cho đến khi 18 tuổi. Nếu gia đình nào có 3 con thì đứa thứ ba tiền cao hơn 250 euro. Nếu không có cha ruột nuôi dưỡng hoặc cha không đủ thu nhập thì nhà nước cho 250 euro một tháng (trẻ mẫu giáo, cấp I) gần 400 euro một tháng (trẻ cấp II, III) cho đến khi 18 tuổi. Đi học miễn phí, xe buýt miễn phí.
Đó là những phúc lợi trẻ con được nhận dù mẹ giàu hay nghèo cũng được nhận như nhau. Nếu sinh con không có tủ lạnh, giường nôi, bỉm sữa... cũng được tặng. Nếu người mẹ nuôi con có thu nhập thấp hoặc không thu nhập được cho vài trăm euro một trẻ mỗi tháng. Gọi là hỗ trợ nuôi con cho người thu nhập thấp.
Mặt khác, khi một cặp đôi ly hôn, số tiền phải trả cho tòa và luật sư là hơn 10.000 euro nếu cả hai thuận tình. Nếu có tranh chấp, số tiền sẽ cao hơn. Nếu ai thu nhập cao, người đó trả nhiều hơn. Ai không có thu nhập, nhà nước trả thay.
Quyền lợi người phụ nữ luôn được bảo vệ, nếu người vợ làm nội trợ hoặc thu nhập thấp thì toàn bộ số năm đóng BHXH và lương hưu sau này được chia đôi cho người vợ một nửa. Trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn hoặc trước đây cha mẹ không kết hôn, không sống chung, nếu sống với cha hoặc mẹ thì sẽ được Sở Bảo vệ trẻ em cử người hỗ trợ chăm sóc hoặc đưa đi chơi nếu cha mẹ bận hoặc cần giữ con giùm...
>> Người dân tại quốc gia bạn đang sống làm việc và hưởng phúc lợi thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Những người thu nhập thấp nếu không đủ sống, sẽ được nhà nước cấp bù chi phí mỗi tháng. Thuế sẽ giảm nếu người lao động đó sống cùng vợ con hoặc có con. Thuế sẽ rất cao nếu người này sống độc thân.
Tóm lại mỗi nước có cách sống và quan điểm khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ chia sẻ một khía cạnh nhỏ, một cái nhìn cá nhân trước thực tế thấy được. Bài viết này không phải đại diện cho số đông và cũng không giống quan điểm cá nhân của người khác.
Người Xa Lạ