"Làm thế nào mà tôi có thể đưa ra bằng chứng cho một thứ không có bằng chứng?", Tiến sĩ Thạch Chính Lệ, chuyên gia tại Viện virus học Vũ Hán, Trung Quốc, nói trong lần hiếm hoi trả lời New York Times hôm 14/6. Bà được mệnh danh "người dơi" vì thực hiện các cuộc thám hiểm truy tìm virus ở dơi trong hang động suốt nhiều năm qua.
"Tôi không biết làm thế nào mà thế giới này lại như thế, liên tục hất nước bẩn lên một nhà khoa học vô tội".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước yêu cầu cơ quan tình báo điều tra nguồn gốc Covid-19, bao gồm giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Giả thuyết này được đưa ra ngay từ khi dịch mới bùng phát toàn cầu, trong đó nổi bật có cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đều bị bác bỏ.
Tuy nhiên, giả thuyết thu hút sự chú ý gần đây và được thúc đẩy bởi thông tin ba nhà nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán từng bị ốm và nhập viện hồi tháng 11/2019 với "triệu chứng giống Covid-19", ngay trước khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán và sau khi tới một hang động dơi ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Thạch là chuyên gia về virus corona ở dơi. Một số nhà khoac cho cho rằng bà có thể dẫn đầu thí nghiệm "tăng cường chức năng" (GOF), trong đó các nhà khoa học tăng cường sức mạnh của virus để nghiên cứu ảnh hưởng của nó lên vật chủ.
Theo New York Times, năm 2017, Thạch và đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu virus học Vũ Hán, đã công bố báo cáo về thí nghiệm "tạo ra virus corona dơi lai mới bằng cách trộn và ghép một số virus hiện có để nghiên cứu khả năng lây nhiễm và sinh sôi của chúng trong tế bào người".
Nhưng trong email gửi đến tờ báo Mỹ, Thạch cho hay thí nghiệm này khác với những thí nghiệm tăng cường chức năng khác ở chỗ không tìm cách khiến virus nguy hiểm hơn. Thay vào đó, họ cố gắng tìm hiểu cách virus lây nhiễm từ loài này sang loài khác.
"Phòng thí nghiệm của tôi chưa bao giờ tiến hành hoặc hợp tác thực hiện các thí nghiệm GOF nhằm tăng cường độc lực của virus", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)