Cô gái trẻ trước đó đã trải qua 3 lần phẫu thuật để điều trị ung thư buồng trứng tại Hà Nội. Dạ Ly là người đẹp tham gia cuộc thi Miss Teen năm 2010.
Đây là căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng, đến khi phát hiện thì đã trễ khiến khả năng chữa khỏi rất thấp.
Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN 2018 vừa công bố, mỗi năm Việt Nam có hơn 1.500 phụ nữ phát hiện bị ung thư buồng trứng, 856 người tử vong. Đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn trễ khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ sống 5 năm sau khi phát hiện bệnh rất thấp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết ung thư buồng trứng diễn ra khi các tế bào buồng trứng bình thường chuyển thành các tế bào bất thường và phát triển vượt qua sự kiểm soát của cơ thể. Loại ung thư này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra ở phụ nữ 50-65 tuổi, khoảng 5-10% liên quan đến di truyền.
Theo bác sĩ Tiến, ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hoặc có rất mơ hồ khó xác định. Thường là cảm giác khó chịu vùng bụng chậu, đầy hơi, ăn không tiêu, bụng to, tiểu nhắt... Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm phần lớn phát hiện nhờ khám sức khỏe. Khoảng 75% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn trễ, khi ấy có các triệu chứng đau bụng, sụt cân, nôn ói, ăn không ngon...
Khi nghi ngờ ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân siêu âm bụng hoặc các xét nghiệm hình ảnh có thể thấy được các bất thường trong ổ bụng, xét nghiệm máu, xét nghiệm CA125. Chỉ số CA125 ở người bình thường là dưới 35 u/ml. Khi chỉ số này tăng có thể nghĩ đến ung thư buồng trứng. CA125 cũng có thể tăng do các bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, bướu tử cung...
Bác sĩ Tiến phân tích, cách để biết chắc chắn có bị ung thư buồng trứng hay không phải trải qua phẫu thuật đánh giá, lấy mô bướu làm giải phẫu bệnh, thực hiện bằng mổ hở hoặc mổ nội soi. Nếu kết quả sinh thiết lạnh là ác tính, phác đồ điều trị bao gồm cắt tử cung, hai phần phụ và mạc nối lớn. Trường hợp trễ, bướu lan tràn, bác sĩ mổ cố gắng lấy càng nhiều bướu càng tốt. Điều trị sau mổ như hóa trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh nhân. Ở giai đoạn sớm có khi không cần hóa trị.
Sau điều trị bệnh nhân phải tái khám thường xuyên để kiểm tra khả năng tái phát. Thông thường trong 2 năm đầu sau điều trị bạn tái khám mỗi 2-4 tháng, 3-5 năm tái khám mỗi 6 tháng. Trên 5 năm mỗi năm tái khám một lần. Nếu ung thư gieo rắc hoặc tái phát, tùy tình huống cụ thể sẽ được mổ lại hoặc hóa trị.
Ung thư buồng trứng hiện chưa rõ nguyên nhân nên khó phòng ngừa. Nhóm nguy cơ cao là người có đột biến gen, đột biến tế bào mầm, gia đình có người mắc các loại ung thư vú, ruột, tuyến giáp, phổi. Nguy cơ cao cũng ở người có buồng trứng hoạt động nhiều, tức rụng trứng liên tục, có kinh sớm, mãn kinh trễ, không có giai đoạn sinh nở để buồng trứng nghỉ ngơi.