Ông Nguyễn Thành Nhân (66 tuổi, TP HCM) đã ghép thận cách đây khoảng một năm. Sau phẫu thuật này, tình trạng bệnh tiến triển tốt và ông đủ sức khỏe để tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Mặc dù vậy sau khi tiêm, nồng độ kháng thể trong cơ thể ông vẫn rất thấp, gần như không có đáp ứng miễn dịch.
Trong thời gian dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dù luôn tuân thủ các biện pháp phòng bệnh nhưng mối lo lắng nhiễm nCoV vẫn ám ảnh, khiến ông gặp khó khăn trong việc quay lại với cuộc sống bình thường mới hay sinh hoạt cộng đồng. Là đối tượng nguy cơ cao nên nếu mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân sẽ rất dễ tiến triển nặng.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu (Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết: "Nhiều bệnh nhân vẫn rất
lo lắng ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine và tự cách ly với người thân, hạn chế hoạt động xã hội, thậm chí không dám tới bệnh viện khám bệnh do
lo ngại cơ thể họ không sinh ra đáp ứng miễn dịch đầy đủ sau tiêm vaccine như người khỏe mạnh".
Là chuyên gia về bệnh hô hấp, theo ông, bệnh nhân ung thư phổi, bệnh hen nặng, bệnh phổi kẽ phải dùng corticoid thường xuyên, có hoặc không có kèm theo các bệnh lý nền khác, đều thuộc nhóm đối tượng tăng nguy cơ tiến triển nặng và tử vong khi mắc Covid-19.
Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi (Chủ tịch Hội thận lọc máu TP HCM, giảng viên cao cấp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cố vấn chuyên môn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM), tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hiện có hơn 200 bệnh nhân đang lọc máu và đây là những đối tượng thuộc diện
ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine và cần thêm mũi vaccine thứ 3 để tăng cường bảo vệ. "Những người có bệnh nền nếu bị suy giảm miễn dịch dù đã tiêm
2-3 mũi vaccine hay trường hợp phải trì hoãn sẽ dễ diễn tiến nặng nếu mắc Covid-19", Phó giáo sư Bùi nói.
Dịch bệnh còn hạn chế khả năng tiếp cận điều trị rất quan trọng của những bệnh nhân ung thư, ghép tạng hay cần phẫu thuật, khiến họ càng gặp khó khăn, bệnh chuyển biến xấu. Trong số đó, không ít người dè dặt đến bệnh viện khi số ca nhiễm hay tử vong tăng cao trên cả nước, mà bản thân họ chưa được bảo vệ đầy đủ.
Mắc ung thư vòm họng và đang trong quá trình điều trị nhưng ông Đặng Văn Miếu (64 tuổi, Cần Giuộc, Long An) tự ý ngưng thăm khám. Ông
Miếu chia sẻ, suốt gần một năm qua Covid-19 bùng phát, lo dịch nên ông ngại đến TP HCM khám bệnh. Đến cuối năm nay, dịch tạm lắng, ông mới tiếp
tục các đợt hóa trị để kiểm soát khối u. "Khi phần đông người đã chung sống an toàn với Covid-19, tôi có cảm giác như mình bị bỏ lại phía sau.
Sau thời gian trì hoãn trị bệnh, bác sĩ bảo khối u của tôi đã lan rộng hơn và cần điều trị tích cực", ông Miếu trải lòng.
Nhiều nước hiện đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19 chủ yếu dựa trên số ca nhập viện và tử vong, không chú trọng số ca nhiễm. Trong đó, những đối tượng nhập viện và tử vong phần lớn là chưa tiêm chủng hoặc bị suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh nền. Theo The New York Times, tại Mỹ, khoảng 7 triệu người bị ảnh hưởng hệ thống miễn dịch do điều trị ung thư, ghép tạng hoặc mắc các bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù chương trình tiêm vaccine Covid-19 đã và đang đem lại hiệu quả bảo vệ cho phần lớn xã hội, khoảng
2-3% dân số thế giới là những người bị suy giảm miễn dịch, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và loại thuốc họ dùng, có thể không bao giờ tạo ra được
đáp ứng miễn dịch tối ưu, kể cả khi họ đã tiêm đủ liều vaccine.
Giải thích về cơ chế này, Giáo sư Châu cho biết, khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ được tiếp xúc với kháng nguyên, từ đó kích hoạt các phản ứng miễn dịch với sự tham gia của tế bào T, tế bào B và kháng thể và sau đó hình thành trí nhớ miễn dịch. Sự toàn vẹn các thành phần trong hệ miễn dịch là điều cần thiết để sinh ra được đáp ứng miễn dịch chủ động tối ưu.
Tuy nhiên, ở các bệnh nhân như bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân ung thư hóa trị, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân
dùng các thuốc ức chế miễn dịch, các thành phần của hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng do chính bệnh của họ hay do tác dụng phụ của việc điều trị. Do
đó, cơ thể họ không thể tạo kháng thể tối ưu, khiến khả năng phòng bệnh chủ động bằng vaccine thấp hơn bình thường, thậm chí bằng không.
Ngoài ra, còn một số trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19 như sốc phản vệ với vaccine đã tiêm trước đó, chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất. Những người đã tiêm vaccine nhưng có hệ miễn dịch bị suy giảm, sinh sống hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc Covid-19 cao cũng có nhu cầu được tăng cường bảo vệ.
PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa (Trưởng Bộ môn Huyết học Đại học Y Dược TP HCM, Phó khoa Y Đại học Y Dược TP HCM; Trưởng khoa Huyết học lâm sàng trẻ em Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM) cho biết, nếu 2-3% dân số thế giới không được bảo vệ trước Covid-19 sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, có thể tạo điều kiện cho nCoV tiến hóa và làm xuất hiện thêm các biến chủng mới, gây khó khăn để ngăn chặn Covid-19 trên thế giới. Vì vậy, bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là việc cấp thiết, giúp giảm gánh nặng lên hệ thống y tế và chặn đứng sự tiến triển của đại dịch.
"Dù Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng vẫn có một bộ phận người không thể tiêm chủng hoặc không sinh đủ miễn dịch sau
tiêm vaccine Covid-19. Đây là 'vùng xám' của chương trình tiêm chủng tại bất cứ quốc gia nào. Các nước cũng đang tìm cách để bảo vệ nhóm đối
tượng dễ bị tổn thương này trong bối cảnh dịch bệnh. Họ có thể cần được bổ sung thêm lớp bảo vệ hoặc cách thức bảo vệ nhanh chóng hơn", Phó giáo
sư Bùi nói.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương này. Một trong những liệu pháp tiên tiến mới chính là kháng thể đơn dòng được tạo ra sẵn từ tế bào của người hoặc được hiến tặng từ những bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19.
"Thay vì cơ thể tự sinh ra kháng thể khi tiêm vaccine Covid-19, gọi là miễn dịch chủ động, thì liệu pháp kháng thể đơn dòng tạo miễn dịch thụ động, tức là đưa vào cơ thể một lượng kháng thể đã được tổng hợp sẵn. Thay vì mất khoảng vài tuần để cơ thể tự sản sinh kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19, tiêm kháng thể đơn dòng sẽ cho tác dụng bảo vệ nhanh hơn (trong vòng vài giờ) và kéo dài vài tháng đến một năm", Phó giáo sư Nghĩa giải thích thêm.
Cách thức hoạt động của kháng thể đơn dòng là sau khi được đưa vào cơ thể, chúng nhận diện các vị trí đặc hiệu trên protein gai của
SARS-CoV-2, tấn công trực tiếp bằng cách liên kết với virus, ngăn chúng xâm nhập vào tế bào và từ đó phòng ngừa bệnh. Theo Giáo sư Châu, phương
pháp này xem như tạo ra được một lớp "phòng thủ ngay tức thì" cho cơ thể nhằm gia tăng sự bảo vệ.
Một số kháng thể đơn dòng đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ và các quốc gia khác phê duyệt cho chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm và điều trị ngoại trú bệnh nhân Covid-19.
Trong số đó, vào tháng 12 năm 2021, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho ‘cocktail’ kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca - là hỗn hợp kháng thể đầu tiên dùng đường tiêm bắp được phê duyệt để phòng ngừa Covid-19 (dự phòng trước phơi nhiễm) cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi với cân nặng từ 40 kg trở lên, bị suy giảm miễn dịch trung bình đến nặng hoặc chống chỉ định với vaccine.
Gần đây, liệu pháp kháng thể này của AstraZeneca cũng đã trở thành kháng thể đơn dòng đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu đặc biệt cho dự phòng trước phơi nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Dự kiến thuốc sắp về Việt Nam, dành cho người không đang nhiễm Covid-19 và không tiếp xúc gần đây với người nhiễm bệnh, có tác dụng phòng bệnh cho những nhóm đối tượng trong chỉ định.
"Các nghiên cứu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan của liệu pháp kháng thể đơn dòng để tăng cường bảo vệ nhóm đối tượng thuộc 'vùng xám', ngay cả khi những người này đã tiêm vaccine nhưng sinh sống, làm việc trong các môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với vaccine Covid-19 thì kháng thể đơn dòng được kỳ vọng là 'vũ khí mới' góp phần giúp kiểm soát Covid-19", Phó giáo sư Bùi nhận định.
Theo Giáo sư Châu, những người thuộc các nhóm nguy cơ cao này cần được khuyến cáo tuân thủ 5K chặt chẽ. Ông cũng kỳ vọng các kháng thể đơn dòng sẽ mở ra hy vọng giúp họ được bảo vệ ngăn ngừa mắc Covid-19, yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động xã hội.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Kim Uyên
Thiết kế: Tấn Nguyễn