Buổi sáng cuối tháng 8, núi Mẫu Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn) trời mát dịu. Như thường lệ, anh Hoàng Dàu Hang (xã Công Sơn, Cao Lộc) mang ngô ra cho gà ăn. Nhìn đàn gà hơn 40 con chen chúc trong cái chuồng chật chội, chàng trai dân tộc Dao giải thích: "Bình thường gà được thả ra ngoài, nhưng vì đám lúa nương mới cấy chưa bám rễ, sợ chúng phá nên tôi phải nhốt".
Bắt con gà mẹ lông vàng nhạt, anh Hang đố khách nhìn xem có gì đặc biệt. Thấy vẻ ngơ ngác của khách, chàng trai 24 tuổi cười bảo hãy nhìn chân. Gà bình thường mỗi chân có 4 ngón, 3 ngón trước, một ngón sau, nhưng con gà anh Hang chỉ có tới 6 ngón mỗi chân. Ngoài 3 ngón trước dài, xòe rộng và một ngón sau ngắn, ở vị trí cao hơn thì còn 2 ngón nữa ở phía sau.
Anh Hang giải thích đó là cựa, tính tổng hai chân con gà mái có 4 cựa. Người dân gọi là gà 6 cựa, tính mỗi chân 6 ngón. Giống gà này được nuôi lâu đời ở vùng núi Mẫu Sơn, hầu như nhà nào cũng nuôi vài con. Gà nhiều cựa đẻ 10-15 trứng, về hình dáng và màu sắc tương tự gà ri, nhưng to hơn. Gà trống trưởng thành nặng khoảng 3 kg, gà mái hơn 2 kg.
Nhà anh Dương Trùng Chòi (27 tuổi, xã Công Sơn) năm nay không nuôi gà nhiều cựa vì công việc bận rộn. Những năm trước, gia đình nuôi mấy chục con vừa để ăn vừa để bán. Theo anh, giống gà này khi thả lên rừng, ra vườn ruộng kiếm ăn có thể đi rất xa, nhưng đến tối vẫn tự biết đường về.
“Con gà này hay lắm, mấy lần tôi thử cho phối giữa gà bố, gà mẹ đều 6 cựa, nhưng trứng ấp nở ra cũng chỉ được một nửa là 6 cựa, còn lại thì giống gà bình thường. Gà 6 cựa mang xuống núi về thành phố nuôi cũng không lớn, chỉ Mẫu Sơn mới có”, anh Chòi tự hào nói.
Đến giờ người dân vẫn không thể lý giải vì sao chỉ Mẫu Sơn mới có gà nhiều cựa. Những người già giải thích có thể do thổ nhưỡng, địa bàn núi dốc nhiều sỏi đá, gà ăn nhiều nên có nhiều ngón. Người dân thường thả gà tự đi kiếm thức ăn, chỉ đầu vụ cấy mới quây nhốt, vì thế thịt gà săn chắc, thơm ngon. Vào những ngày mùa đông, khi nhiệt độ Mẫu Sơn xuống dưới 0 độ C, những con gà 6 cựa vẫn khỏe mạnh kiếm mồi.
Trước đây, gà 6 cựa được người Dao trên Mẫu Sơn nuôi để ăn chứ không phải bán. Sau này, khu du lịch Mẫu Sơn phát triển, du khách mọi miền đất nước đổ về, loại gà đặc biệt này mới được tìm mua. Những con gà trống có bộ lông màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt, được nhiều người săn lùng, giá cả tiền triệu. Thỉnh thoảng, người dân mang gà trống 6 cựa đi chọi để xem con nào khỏe nhất.
Gà 6 cựa luôn được bán với giá cao, thấp nhất 200.000 đồng/kg. Vào dịp Tết giá được đẩy lên đến 350.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”. Anh Hang chia sẻ: “Tết vừa rồi, nhiều nhà trong làng không có gà để bán, người tìm mua đông quá. Con gà 6 ngón này nuôi bằng ngô với thóc thịt mới ngon, nuôi bằng tăng trọng thịt ăn bở, lần sau khách không mua nữa”.
Là người chuyên buôn gà 6 cựa, chị Loan tiết lộ giá cả với khách quen là 300.000 đồng/kg, nếu khách ở xa không đặt trước thì chị bán 350.000 đồng/kg. Riêng trứng gà 6 cựa phải gọi điện trước, 8.000 đồng/quả và chỉ thứ bảy, chủ nhật mới có hàng.
Nói về định hướng phát triển giống gà nhiều cựa phục vụ du khách, ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn đã kêu gọi đầu tư bảo tồn giống gà truyền thống 6 cựa, tổ chức tuyên truyền để nhân dân tự phát triển, chăn nuôi đồng thời gắn với các hoạt động du lịch, thu hút du khách tới Mẫu Sơn.
Trong truyền thuyết, để được cưới Mỵ Nương, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh phải nộp đủ lễ vật thách cưới do vua Hùng đặt ra là “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Nhiều người nghĩ rằng gà nhiều cựa tiến vua chỉ có trong truyện cổ. Tuy nhiên, thực tế ngoài Mẫu Sơn (Lạng Sơn), khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) cũng có loại gà này. Tại đây, người dân đã ghi nhận có gà 9 cựa, nhưng rất hiếm, phần lớn chỉ 4-8 cựa. |
Hồng Vân