Trưa 18/7, trong thời tiết dịu mát, hàng nghìn người là công nhân, sinh viên, nguời lao động... từ các tỉnh, thành Đông Nam Bộ xếp thành hai hàng dài trước chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, trên đường Hồ Chí Minh, cửa ngõ vào Tây Nguyên. Họ chủ yếu chạy xe máy để về Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum.
Khi dịch bắt đầu bùng phát, chốt này chỉ có 5-6 nhân viên. Tuy nhiên, mấy ngày qua, lượng người đổ về quá đông nên nhân lực tại chốt phải tăng lên gấp đôi, với 12 nhân viên chia làm 2 bàn khai báo y tế. Ngoài ra còn có hàng chục công an, bộ đội, y tế, dân quân, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn.
Mọi người lần lượt được đo thân nhiệt, khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính nCoV. Nếu không phải là người dân Đăk Nông, thì ngoài khai báo y tế, họ còn phải cam kết không đỗ, dừng suốt hành trình qua tỉnh Đăk Nông. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi, chán nản vì phải chờ đợi lâu.
Anh Đặng Vần Gin, công nhân ở huyện Củ Chi, TP HCM, cho biết do ít việc, tiền trợ cấp của công ty chỉ còn 2 triệu đồng một tháng, trong khi đồ ăn thức uống đắt đỏ. "Vì vậy tôi quyết định đi xe máy về quê ở Đăk Lăk", anh Gin nói và cho biết, chạy từ Củ Chi lên huyện Đăk R'lâp mất khoảng 5 tiếng, quãng đường gần 200 km, anh phải dừng ở 6-7 chốt để khai báo y tế, chốt nhanh nhất là 5 phút, lâu nhất là chốt Cai Chanh, tầm 15 -20 phút.
Anh Nguyễn Nhật Long, sinh viên Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, sau khi thực hiện test nhanh và cho kết quả âm tính nCoV, sáng nay anh cùng bạn đi xe máy từ TP Thủ Đức để về huyện Ea Kar, Đăk Lăk, với quãng đường gần 400 km.
Cả hai chạy được gần được nửa đường, đã qua 3 chốt kiểm soát dịch. Khi đến chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, lúc 7h30, nam sinh viên được yêu cầu dừng xe, khai báo y tế và viết giấy cam kết không đổ dừng ở Đăk Nông.
Anh Long kể, khung cảnh ban đầu có hơi lộn xộn, tỏ ra khó chịu do ai cũng muốn nhanh chóng tiếp tục hành trình, nhưng khi các cán bộ làm nhiệm vụ nhắc nhở, mọi người đã xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục nhanh.
Còn Ksor H'Nhíp, 18 tuổi, cho biết làm công nhân ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Vừa qua công ty yêu cầu công nhân ở lại xưởng luôn nhưng cô quyết định cùng bạn xin nghỉ việc về quê ở huyện Ea H'leo, Đăk Lăk. "Đợi hết dịch vào xin làm lại", H'Nhíp nói.
Ông Đào Kim Nghiệp, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk R'lâp cho biết, ba ngày qua lượng người từ các tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Bình Phước đi xe máy đổ về Tây Nguyên rất đông. "Có thời điểm lượng người khoảng 2.000 người trong một giờ", ông Nghiệp nói và cho biết, riêng ôtô chở hàng hóa, ôtô con không xảy ra tình trạng ùn ứ, do lượng xe ít.
Theo ông Nghiệp, ngày 16/7, lượng người là hơn 6.700 người. Riêng trong hôm qua, tổng lượng người đổ về lên đến 10.000 người. Thời gian đông nhất từ 14h đến 2h sáng. Có hôm lúc nửa đêm vẫn còn hơn 1.000 người xếp hàng dài gần một km.
Đến chiều 18/7, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 51 ca Covid-19, chiếm 0,1% số ca nhiễm cả nước (47.343 ca). Trong 5 tỉnh, Kon Tum là địa phương chưa ghi nhận Covid-19.
Trước đó, Đăk Lăk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... đã lên kế hoạch đón người lao động, sinh viên... từ TP HCM, Bình Dương về quê bằng ôtô, tàu hỏa. Hôm nay, Bình Định quyết định thuê 4 chuyến bay đón 1.000 người dân khó khăn ở TP HCM về quê trong hai tuần tới, chi phí xã hội hóa.
Trần Hóa