Đứng trước hàng dài túi nước giặt quần áo trong siêu thị, chị Minh Thu (Long Biên, Hà Nội) đắn đo từng loại xem giá nào phải chăng hơn. Nhiều lựa chọn với giá không chênh nhau mấy, chị quyết định về nhà xem livestream săn hàng giá rẻ, thấp hơn 30.000 đồng so với ngoài hàng.
"Mọi thứ đều đắt lên mà thu nhập hai vợ chồng vẫn thế nên mua gì cũng phải tính. Con tôi sắp vào lớp 1 nên chi tiêu trong nhà cần cân đối hơn", chị chia sẻ.
Tương tự, chị Hoài Thu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn lựa chọn mua thịt loại chất lượng cao như ngày trước, nhưng sẽ canh giờ để có giá giảm ít nhất 10%. Chị chấp nhận dậy sớm để đi siêu thị hoặc qua muộn sát giờ đóng cửa để tới quầy ưu đãi.
Khảo sát của Vietnam Report tháng 9 vừa qua cho thấy khoảng 40% số người trả lời chưa cảm thấy tình hình tài chính của bản thân tốt hơn trong những tháng cuối năm. Tâm lý này cũng được phản ánh vào sức mua tại các đơn vị bán lẻ lớn khi giỏ hàng chủ yếu là nhu yếu phẩm, đồ khuyến mãi.
Theo đại diện MM Mega Market, 9 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu dùng tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng hóa đơn mua sắm tăng 9%, nhưng giá trị mỗi giỏ hàng vẫn duy trì ở mức tương tự. Cụ thể, giỏ hàng trung bình của mỗi hộ gia đình vẫn giữ mức khoảng 800.000 đồng với các sản phẩm chủ yếu là nhu yếu phẩm.
Tương tự, Saigon Co.op cũng cho biết doanh số tăng nhờ các chương trình khuyến mãi hàng tuần. Mỗi hóa đơn trung bình tại Co.opmart đạt từ 400.000-500.000 đồng, không thay đổi so với năm ngoái. Thay vì mua sắm đa dạng các mặt hàng như trước đây, khách hàng hiện tập trung vào các sản phẩm khuyến mãi lớn kèm quà tặng.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay (theo giá hiện hành) tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn chưa đạt được mức của thời kỳ trước dịch Covid (trên 10%). Mức tăng 9 tháng năm nay còn thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với bình quân cùng thời kỳ các năm giai đoạn (2015-2019). Điều này phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa cao.
Sau khi loại trừ yếu tố giá là chỉ số CPI, tăng trưởng tiêu dùng thực tế từ đầu năm đến nay vẫn chưa thể bật mạnh khỏi ngưỡng 5%, theo số liệu từ đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính AFA Capital. Đây là con số khiêm tốn dù nhận được sự hỗ trợ của hơn 12,7 triệu khách quốc tế trong 9 tháng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là 3 động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, yếu tố đầu tư và xuất khẩu lại đang phải gánh vác, bù đắp cho tiêu dùng trong nước để kinh tế tăng tốc.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia phân tích tài chính độc lập, nhận thấy mức tăng trưởng của tiêu dùng đang thấp hơn so với GDP 9 tháng đầu năm, lần lượt 6,18% và 6,4%.
Trong những giai đoạn nền kinh tế ổn định như 2015-2019, tiêu dùng tăng trưởng trung bình 7% một năm, cao hơn con số 9 tháng năm nay. Tiêu dùng là cấu phần quan trọng trong GDP khi tại Việt Nam chiếm hơn 60%, tại Mỹ khoảng 60-70%. Nó thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng, là cơ sở để phát triển đầu tư tư nhân và tạo nên triển vọng kinh tế tương lai.
Sức mua từ người dân chưa mạnh kéo theo nhu cầu vay vốn thu hẹp. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Công ty chứng khoán MB, cho biết tín dụng của riêng các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay thấp hơn toàn ngành, trong khi ở thời điểm kinh tế ổn định là tăng trưởng gấp đôi.
Nguyên nhân khiến tiêu dùng thấp là niềm tin của người dân về nền kinh tế trong tương lai chưa tốt hoặc việc làm, thu nhập của họ bị ảnh hưởng, theo chuyên gia.
Nhiều chương trình khuyến mãi quy mô lớn đã được tung ra để kích cầu mua sắm, kết nối cung cầu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ đơn vị phân phối, ông Hà Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), nhận thấy việc kéo dài chương trình khuyến mãi sẽ làm giảm sức hút. Ông cho rằng, thời lượng có thể rút ngắn lại chỉ trong khoảng 1 tháng, nửa tháng hoặc thậm chí 1 tuần nhưng cần đồng loạt, có chương trình truyền thông rộng rãi để người tiêu dùng biết đến. Như vậy, ông Sơn cho rằng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đồng bộ.
Trên các sàn thương mại điện tử, những đợt giảm giá cũng trải đều qua nhiều tháng với điểm nhấn là ngày đôi (ví dụ 8/8, 9/9...). Do đó ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận định đợt khuyến mãi cuối năm sẽ chỉ huy động nhu cầu còn tiềm tàng sót lại. Do đó, thay vì chờ đợi vào sức tiêu dùng và thu nhập của người dân cải thiện, ông đề xuất giải pháp nên từ chính các nhà bán lẻ.
"Chính việc cam kết tới người dùng ngày một cao sẽ thúc đẩy họ xuống tiền kể cả khi không cần thiết", ông Minh nhấn mạnh. Một trong những giải pháp đang làm và cần tiếp tục phát triển trong thời gian tới là định danh trong thương mại điện tử. Hỗ trợ hủy đơn ngay cả khi hàng đã giao cũng sẽ góp phần giảm bớt nghi ngại của người mua về hàng hóa, hạn chế tranh chấp.
Sau cùng, cốt lõi là thu nhập của người tiêu dùng cần được cải thiện để tạo tâm lý hứng khởi trong chi tiêu. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cần chú trọng phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân để tạo ra công việc, thu nhập cho người dân. Điều này sẽ góp phần giúp chính sách tăng lương cơ sở thêm 30% và lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7 có tác động rộng lớn và hiệu quả.
Để làm được, ông Việt cho rằng sang năm 2025, Chính phủ chưa nên tăng ngay thuế, phí khi chính sách tài khóa chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Bởi khi đó doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí đầu vào hoặc đẩy cao giá bán, vô hình chung tạo tác động ngược tới chính sách kích cầu tiêu dùng đang làm.
Đức Mạnh - Thi Hà