Cuối tháng 10/2020, Trà Leng tan hoang. Vụ sạt lở núi hôm 28/10 khiến 55 người bị vùi lấp, trong đó 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người sống sót. Hạ tầng ở khu vực này gồm đường sá, cầu cống bị lũ cuốn trôi, hư hỏng, giao thông ách tắc, nhiều người dân mất nhà.
Lúc đó những con đường đến Trà Leng nhuốm màu vàng đỏ của bùn đất, hàng chục hộ dân sống trong nhà tạm trong khi trời mưa to kéo dài, trắng xoá núi rừng.
Những ngày này, tuyến đường vào Trà Leng đã san ủi, sửa chữa xong. Đêm xuống, đường chính dẫn vào trung tâm xã được chiếu sáng bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Sáng mùng Một Tết Tân Sửu, Hồ Văn Hải, 17 tuổi, cùng chị gái Hồ Thị Hòa và em Hồ Thị Yến Chi sum vầy trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn ở khu tái định cư Trà Leng. Nhà của Hải nằm trong 13 hộ dân được chính quyền huyện Nam Trà My xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống, cách làng cũ khoảng 5 km, nằm gần trung tâm xã. Mỗi căn nhà rộng 50 m2, gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, nhà bếp và phòng vệ sinh.
Trong nhà Hải, các đồ dùng đều được mua sắm mới, sáng bóng. Ngày đầu năm, ba chị em Hải thức dậy từ sớm tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng. Hải sửa sang lại bàn thờ, hương đèn đặt ở phòng khách còn thơm mùi gỗ mới vừa chuyển về năm ngày trước; Hòa ở dưới bếp đỏ lửa nấu các món ăn với sự giúp đỡ của em gái.
Mâm cúng được bày ra sau gần một giờ chuẩn bị. Hải là con trai nên đại diện cho gia đình đứng ra làm lễ cúng. Cậu học sinh lớp 11 thắp nén hương thơm rồi cúi đầu vái lạy trước di ảnh bốn người thân.
Hải kể, Tết năm trước, ngày đầu năm ba mẹ soạn mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Lễ vật gồm đồ mặn, hương đèn, hoa quả cầu mong một năm mới sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Lễ cúng xong, cả gia đình sum vầy bên nhau đón Tết. Nhưng Tết năm nay thiếu vắng bốn người thân đã ra đi trong vụ sạt lở núi chiều 28/10.
Hải không muốn nhắc lại thảm cảnh đã cướp người thân, khi hàng ngàn mét khối đất đá ập xuống. Lúc đó, Hải đang ở trường, xa nhà nên thoát nạn. Hơn 3 tháng qua, Hải và Chi đi học ở lại khu nội trú vì nhà cửa không còn.
"Người thân mất đi em không có ngôi nhà để đặt bàn thờ, hương khói. Em luôn mong mỏi có căn nhà để thờ cúng và nay đã thành hiện thực", Hải nói và cho hay trong khu tái định cư, các hộ dân được bố trí ở gần nhau giống làng cũ, hàng ngày trò chuyện để chia sẻ với bớt nỗi đau.
Cách nhà Hải không xa là nhà ông Hồ Văn Đề. Tám người thân của ông Đề chết và mất tích trong trận sạt lở núi, trong đó có hai con ruột, ba dâu rể và ba đứa cháu, chắt. Đến nay, ba thi thể được tìm thấy, lập thành ba ngôi mộ dưới chân núi trồng quế, cách làng cũ chừng 30 m.
Ngày đầu năm, làm xong lễ cúng, ông Đề ra đứng trước hiên nhà nhìn về ngọn núi xa xa, ngậm ngùi nghĩ đến những người thân. Đón Tết Tân Sửu, ông Đề được chính quyền tặng hai chậu hoa cúc tết chưng trước nhà; cây quất cảnh mini đặt trên bàn trang trí.
Ông Đề bảo, các năm trước, ngày mùng Một hai vợ chồng cùng con cháu cúng xong thường qua nhà hàng xóm xông đất. Trong một năm, người Mơ Nông có Tết cúng lúa mới vào tháng 10 âm lịch và cuối năm đón Tết cổ truyền giống người Kinh.
"Ở làng cũ, trong ngày Tết lần lượt mỗi người trong làng sẽ chuẩn bị đồ ăn, thức uống và mọi người trong làng luân phiên đến chúc mừng năm mới", ông kể và cho hay năm nay nhà ai biết nhà nấy, vì 13 hộ dân đều có tang. Người Mơ Nông có tục kiêng kỵ nhà vừa có người chết không đến chúc Tết nhà khác.
Khu tái định cư của người dân Trà Leng được thành lập trên khu đất rộng, bằng phẳng; điện, nước đầy đủ. "Chúng tôi vui không chỉ vì được kết thúc chuỗi ngày sống tạm bợ với hàng chục người chen chúc trong một căn phòng ở điểm trường, mà còn vì khu tái định cư rất khang trang", ông Đề bày tỏ.
Theo ông Đề, 20 năm trước gia đình ông cùng các hộ dân đến dựng nhà, sinh sống bình yên dưới chân núi. Thiên tai đã xóa sổ toàn bộ ngôi làng. Lúc đó người trong làng không ai dám nghĩ đến chuyện hôm nay có được ngôi nhà mới xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống của người Mơ Nông.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch xã Trà Leng cho hay, ngoài 13 căn nhà bàn giao trước Tết Nguyên đán, địa phương đang tiếp tục xây dựng hơn 30 căn nhà tái định cư khác. "Ngoài hỗ trợ chỗ ở an cư, chúng tôi còn đầu tư giúp bà con khôi phục sản xuất, khuyến khích người dân phát triển trồng trọt, đặc biệt là trồng cây quế, cây ăn quả", ông Cường nói.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho hay các đợt mưa bão trong năm 2020 khiến khoảng 4.500 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, 650 ngôi nhà sập hoàn toàn. Sau thảm họa thiên tai, chính quyền tập trung mọi nguồn lực để lập các khu tái định cư, xây dựng nhà mới cho người dân.
"Người dân vùng sạt lở được xây dựng nhà mới, vùng tang thương nay dần hồi sinh", ông nói và cho hay tỉnh Quảng Nam phấn đấu trong năm 2021- 2022 cơ bản khắc phục xong thiệt hại của trận thiên tai tháng 10/2020.