KPMG là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và tuân thủ thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội và nhập cư của lao động nước ngoài. Hãng kiểm toán này cũng tham gia cố vấn về chính sách thuế cho các chính phủ, cơ quan thuế một số nước.
Chia sẻ với VnExpress, Bà Andrea Godfrey, Thành viên điều hành, Phụ trách bộ phận tư vấn và tuân thủ thuế thu nhập cá nhân KPMG Việt Nam, cho rằng một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp.
- Mức giảm trừ gia cảnh khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động Việt Nam được điều chỉnh theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tức là khi CPI tăng 20%. Bà đánh giá cơ sở điều chỉnh này thế nào?
- Nhìn chung, việc xác định giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng CPI là hợp lý. CPI hiện vẫn được sử dụng rộng rãi, làm yếu tố để cân nhắc chính sách thuế ở các nước, bao gồm các chính sách về mức giảm trừ vào thu nhập chịu thuế, bậc thuế... CPI liên quan đến khả năng tiêu dùng và do đó là yếu tố ảnh hưởng đến mức thuế suất thực tế và thu nhập sau thuế của mỗi cá nhân.
Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để liên hệ CPI với chính sách thuế một cách phù hợp.
Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định khi CPI tăng 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Quy định này đã cho thấy một số bất cập.
Kể từ khi luật này được ban hành năm 2007, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh hai lần. Lần thứ nhất là năm 2013 và lần thứ hai vào năm 2020. Như vậy, trung bình khoảng 6 đến 7 năm, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh một lần. Nếu thế, theo tôi, không phản ánh kịp thời những thay đổi trong giá cả sinh hoạt của người dân.
Thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài và không theo kịp mức tăng chi tiêu thực tế của người dân, làm tăng gánh nặng thuế và giảm thu nhập thực tế của họ trong bối cảnh giá cả biến động.
Để khắc phục, tôi cho rằng có thể cân nhắc việc hạ thấp mức tăng CPI làm căn cứ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, ví dụ lấy mức biến động 5-10% thay vì 20% như hiện nay để điều chỉnh kịp thời và phản ánh đúng mức tiêu dùng cũng như mức thu nhập thực tế còn lại của người dân sau thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu (bao gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu). Nếu so với thu nhập bình quân 6,6 triệu của người làm công ăn lương, mức giảm trừ gia cảnh có vẻ hợp lý, vì nó đã cao hơn thu nhập bình quân.
Nhưng con số này lại không đại diện cho phần lớn người làm công ăn lương ở khu vực thành thị với mức thu nhập cao gần gấp 1,6 lần vùng nông thôn - là những người đang và sẽ tiếp tục đóng góp chính vào thuế thu nhập cá nhân.
Hơn nữa, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, cần có lộ trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để gắn chính sách thu thuế với tham vọng nâng cao thu nhập của công dân.
- Cách xác định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện nay là lấy 40% mức giảm trừ gia cảnh của chính người nộp thuế. Tỷ lệ này bị chê là quá thấp. Bà đánh giá như thế nào?
- Mức tiêu dùng thực tế của một người phụ thuộc gần như tương đương với người nộp thuế, chủ yếu cho các chi phí như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt... Trong bối cảnh hiện nay, mức giảm trừ cho người phụ thuộc chỉ bằng 40% của người nộp thuế, chưa hợp lý và nên được điều chỉnh theo tỷ lệ cao hơn.
Theo tôi, việc tăng giảm trừ người phụ thuộc có thể được quy định bằng mức tăng cố định hoặc theo tỷ lệ phần trăm so với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế.
Dù theo cách nào, số thuế tiết kiệm được từ mức giảm trừ gia cảnh phải có tác dụng trang trải được chi phí sinh hoạt của người phụ thuộc, như vậy mới thể hiện ý nghĩa thực sự của việc giảm trừ gia cảnh. Mức lương tối thiểu vùng có thể là một thông số tham chiếu hữu ích cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản của mỗi cá nhân.
- Kinh nghiệm quốc tế cho việc xác định mức giảm trừ gia cảnh như thế nào?
- Trên thế giới, việc giảm trừ thu nhập chịu thuế có thể được quy định bằng mức cố định, bằng cách khấu trừ các chi phí thực tế phát sinh có chứng từ đi kèm như chi phí y tế, giáo dục, cũng có thể giảm trừ theo tỷ lệ phần trăm của thu nhập, bằng trợ cấp tiền mặt cho người phụ thuộc hoặc kết hợp các phương thức trên.
Ở Việt Nam, do thói quen chi tiêu bằng tiền mặt vẫn phổ biến và việc lưu giữ chứng từ cho mục đích thuế thu nhập cá nhân chưa thuận tiện. Áp dụng một mức giảm trừ cố định sẽ giúp đơn giản hóa cách tính, giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, các nhà làm luật cần cân nhắc phương pháp tính toán mức cố định và cách điều chỉnh định kỳ như thế nào để đảm bảo thu thuế cho ngân sách nhà nước đồng thời không làm tăng gánh nặng thuế cho cá nhân.
- Ngoài mức giảm trừ gia cảnh, tiêu chí để xác định người phụ thuộc như hiện nay bà có góp ý gì?
- Việc xác định người phụ thuộc hiện chủ yếu theo ba tiêu chí: quan hệ với người nộp thuế, khả năng lao động tạo ra thu nhập (ví dụ con cái trong độ tuổi đi học chưa tham gia thị trường lao động, cha mẹ đã quá tuổi lao động/nghỉ hưu, người phụ thuộc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật ...) và mức thu nhập của người phụ thuộc.
Nhìn chung các tiêu chí trên là cơ bản và phù hợp. Tuy nhiên, tiêu chí thứ ba về thu nhập dưới 1 triệu đồng một tháng của mỗi người phụ thuộc là quá thấp. Với mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu một tháng, điều kiện để được ghi nhận là người phụ thuộc cũng nên tăng lên tương ứng để mở rộng phạm vi giảm trừ cho người nộp thuế.
Đối chiếu với mức lương tối thiểu vùng như đã đề cập, thu nhập một triệu đồng hàng tháng không đủ trang trải cuộc sống của một cá nhân. Để điều chỉnh, nhà làm luật có thể cân nhắc lấy mức lương tối thiểu vùng làm số tham chiếu.
Một vấn đề nữa là hiện nay một số cơ quan thuế yêu cầu phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về mức thu nhập của người phụ thuộc trong hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh.
Tôi thấy như vậy bất hợp lý vì chính quyền địa phương không có chức năng, quyền hạn và năng lực để xác nhận thu nhập của công dân. Để tránh những phát sinh như vậy, luật sửa đổi cần quy định rõ việc xác nhận mức thu nhập của người phụ thuộc là do người nộp thuế tự khai và tự chịu trách nhiệm, thống nhất với nguyên tắc tự khai tự nộp của thuế thu nhập cá nhân hiện hành.
- Bà có thêm đề xuất gì với chính sách thuế dành cho người làm công ăn lương?
- Bên cạnh việc xác định các tiêu chí để quy định mức giảm trừ gia cảnh, mức giảm trừ gia cảnh và điều kiện về mức thu nhập của người phụ thuộc, Bộ Tài chính có thể xem xét giãn ngưỡng thu nhập chịu thuế giữa các bậc thuế hoặc hạ thuế suất để giảm gánh nặng thuế cho đối tượng người làm công ăn lương có thu nhập thấp và trung bình.
Việc thu thuế nên hướng đến người có thu nhập trung bình cao và người có thu nhập cao, tăng tính tuân thủ trong việc kê khai nộp thuế giúp tăng ngân sách Nhà nước.
Quỳnh Trang