Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, tím tái, mạch rời rạc. Đường thở của bệnh nhân bị tắc do đặc quánh đờm, không có thông khí vào phổi, mạch chậm 40 lần một phút, nhịp thở 10 lần một phút, bụng trướng, huyết áp 90/40 mmHg. Các bác sĩ nhanh chóng hút một lượng đờm lớn làm thông thoáng đường thở, bệnh nhân mới hết tím tái. Chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, tâm phế mạn, suy tim. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân tự thở được, các chỉ số đã ổn định.
Theo người nhà, người đàn ông có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 15 năm nay. Cách đây hai năm, ông còn bị suy tim nhưng không điều trị thường xuyên. Gần đây, bệnh nhân khó thở, phù chân và mặt, đã điều trị ở bệnh viện huyện một tuần nhưng tình trạng ngày càng nặng.
Theo các bác sĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở ngày càng nặng dần. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói đốt trong nhà do đun nấu củi, than đá...
Bệnh không chỉ ảnh hưởng phổi mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân thường gặp tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu, sau bệnh giảm cung máu cơ tim, đột quỵ, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và vượt cả ung thư. Những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong.