Các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân. Khối u có kích thước to như quả trứng đà điểu khiến ai cũng ngạc nhiên.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân vào viện khám trong tình trạng đau tức bụng vùng hạ vị, khó đại tiện suốt hai tháng. Các bác sĩ phát hiện có khối chắc ở vùng hạ vị bệnh nhân và có thể di chuyển chậm ở phía trong.
Khi khám nam khoa, bác sĩ không phát hiện tinh hoàn trái của bệnh nhân, tinh hoàn phải bình thường. Kết quả siêu âm cho thấy có u tinh hoàn trái ở vùng hạ vị, chẩn đoán ung thư tinh hoàn. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Bệnh nhân cho biết từ nhỏ đã không thấy có tinh hoàn trái. Ông sống ở vùng núi, sinh được hai con nên nghĩ việc có một bên tinh hoàn không bất thường. Gần đây ông bị đau tức vùng hạ vị, khó đại tiện nên mới đi khám.
Ung thư tinh hoàn là bệnh ít gặp, chỉ khoảng 1% trong số các bệnh ung thư ở nam giới song là bệnh khá phổ biến ở tuổi từ 20 đến 35. Tại Mỹ, cứ một trong 263 đàn ông nguy cơ mắc bệnh, lứa tuổi trung bình phát hiện bệnh là 33. Thống kê ở nước này cho thấy mỗi năm có 9.000 ca bệnh mới, khoảng 350 đến 400 trường hợp tử vong. Riêng Việt Nam chưa có số liệu thống kê dịch tễ về ung thư tinh hoàn.
Tỷ lệ chữa khỏi khá cao, tỷ lệ sống ở các giai đoạn là 92%, trong đó ở giai đoạn lan tràn 70% bệnh nhân vẫn có khả năng khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Liên, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư tinh hoàn là tình trạng ẩn. Ngoài ra còn có tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn… Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi. Cha mẹ nên đưa con đi khám ngay từ nhỏ nếu thấy bất thường ở tinh hoàn.
Hà An