Theo điều tra dịch tễ, người này từ Đăk Lăk về quê ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, 5 hôm trước. Một ngày sau ông có triệu chứng rát họng, đau cổ, ngứa niêm mạc mắt, không sốt, bệnh viện địa phương điều trị không bớt. Ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khám, bác sĩ nội soi tai mũi họng ghi nhận niêm mạc họng có giả mạc màu nâu, bám dính, dễ chảy máu song không gây chèn đường thở, chẩn đoán "theo dõi bạch hầu".
Chiều 9/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bạch hầu. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định.
Khoảng 20 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được y tế địa phương khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định của bệnh nhân trên . Trường hợp bệnh nhân dương tính với bạch hầu, những người tiếp xúc gần sẽ được cách ly và uống thuốc kháng sinh dự phòng.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh cho biết hiện chưa khẳng định người đàn ông trên mắc bạch hầu mà phải chờ kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vì thế người dân không nên hoang mang, lo lắng, song cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đây là ca nghi mắc bạch hầu đầu tiên đầu tiên trong năm ở Hà Tĩnh. Vài ngày trước, ngành y tế ghi nhận hai ca bạch hầu tại Nghệ An và Bắc Giang. Hôm 6/7, một cô gái 18 tuổi tại Bắc Giang được CDC tỉnh này ghi nhận dương tính bạch hầu, lây nhiễm từ một nữ sinh Nghệ An khi ở chung phòng trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH hồi cuối tháng 6. Nữ sinh này đã tử vong hôm 5/7, còn cô gái Bắc Giang sau điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ổn định sức khỏe và chuyển về địa phương tiếp tục cách ly theo dõi. Hiện 18 trong 134 mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần hai cô gái, kết quả âm tính.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch, khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch.
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với đặc trưng là giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Giả mạc cũng có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình 5-10%.
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp hoặc vật trung gian như đồ chơi, dịch tiết của người bệnh, qua da bị tổn thương. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Biểu hiện bệnh từ nhẹ đến nặng, ban đầu sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng, ho; sau đó tiến triển nhanh gây khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn, sổ mũi, hơi thở hôi. Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Lớp màu trắng mọc thành từng mảng lớn, dai và dính, khi bóc màng có thể chảy máu, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.
Không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh biến chứng thành viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, đột ngột trụy tim mạch gây tử vong.
Bạch hầu hiện có vaccine phòng bệnh và thuốc kháng sinh, huyết thanh kháng độc tố. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cho trẻ tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Vệ sinh thân thể và môi trường, hạn chế tiếp xúc với nguồn có thể lây truyền bệnh.