Patrick Kilonzo Mwalua là một nông dân trồng đậu ở Kenya. Hàng ngày, ngoài thời gian làm việc để kiếm sống, người đàn ông 41 tuổi này thường lái xe bồn chứa khoảng 3.000 lít nước ngọt, đi nhiều giờ đồng hồ để cung cấp nước uống cho các loài động vật hoang dã sống ở vườn quốc gia Tây Tsavo.
Đây là một công việc hoàn toàn tình nguyện, không ai trả công cho anh. Mwalua thậm chí còn phải bỏ tiền ra mua nước ngọt hoặc thuê xe bồn chở nước cho các loài động vật hoang dã uống. Có nhiều lần, anh phải đi trong đêm tối để kịp giờ đưa nước.
Nhiều người khi biết về công việc tình nguyện của Mwalua đã gọi anh là cứu tinh của các loài động vật sinh sống ở vườn quốc gia Tây Tsavo này. Một số khác theo trường phái tâm linh thì cho rằng, Mwalua bị "trời đày" khi phải làm công việc này, trong khi những người khác không có suy nghĩ giống anh.
Tuy vậy, Mwalua cho biết anh không quan tâm tới mọi người nói gì về mình. Điều duy nhất khiến anh trăn trở là làm sao để các con vật đủ nước uống. "Nơi đây hoàn toàn không có nước, đất đai khô cằn. Vì vậy, các loài động vật có sống được hay không phụ thuộc vào con người. Nếu chúng ta không giúp, chúng sẽ chết", Mwalua nói trên Dodo.
Hàng ngày, Mwalua lái xe chở nước đến cho chúng uống. Thông thường, anh xả nước xuống các chỗ trũng để tạo ra một vũng nước lớn cho các loài ngựa vằn, linh dương, voi, trâu rừng... uống. Nhiều lần, các con vật đã không thể đợi được Mwalua xả nước xuống, chúng tụ tập quanh xe của anh để uống nước từ vòi.
"Một đêm, tôi đã thấy 500 con trâu đang đứng đợi mình quanh một hố nước cạn. Khi tôi đến, chúng vây quanh xe".
Mwalua có công việc chính là trồng đậu trong một ngôi làng. Anh có ý tưởng mang nước tới cho các loài vật sau khi chứng kiến sự thay đổi khí hậu, dẫn đến sự thiếu nước ở quê nhà. Năm 2016, trong 6 tháng nơi đây không có một giọt mưa, khiến nguồn nước uống thiếu thốn trầm trọng, đất đai nứt nẻ, khô toác.
Tuy nhiên, Mwalua không thể mãi bỏ tiền ra để mua nước, thuê xe đến vườn quốc gia vì kinh tế có hạn. Do đó, anh kết nối qua Facebook với 3 nhà hoạt động xã hội người Mỹ.
Angie Brown, một trong số 3 người Mỹ hỗ trợ dự án của Mwalua cho biết: "Tôi từng đến Kenya vào năm 2015. Dù thời điểm đó, tôi không gặp Mwalua nhưng đất nước, đặc biệt là hoàn cảnh sống của các con vật, ám ảnh tôi". Do vậy, khi nghe nói về hạn hán ở Kenya, Brown đã liên lạc với Cher Callaway và Tami Calliope, 2 nhà hoạt động xã hội khác, để giúp đỡ Mwalua. Mọi người cùng xây dựng một dự án gây quỹ để bảo vệ Tây Tsavo.
Callaway đã lập trang GoFundMe, đến nay quỹ đã có 18.000 USD từ những nhà hảo tâm khắp thế giới. Số tiền này được dùng để mang nước tới cho các con vật ở vườn quốc gia.
Ngoài việc gây quỹ, Mwalua cũng tới các trường học ở địa phương để trò chuyện với học sinh. Nội dung buổi nói chuyện là về ý nghĩa của việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Vườn quốc gia Tsavo được tạo thành từ hai khu riêng biệt: Đông Tsavo và Tây Tsavo, tại tỉnh Coat, là vườn quốc gia lớn nhất Kenya. Tây Tsavo có diện tích gần 10.000 km2, mở cửa từ 8h đến 22h, có nhiều núi và ẩm ướt hơn Đông Tsavo. Nơi đây có nhiều đầm lầy, hồ và là nhà của nhiều loài chim, thú lớn như tê giác, trâu rừng, voi, báo, hà mã, sư tử... Có nhiều khách sạn, nhà nghỉ gần hai vườn quốc gia này để phục vụ du khách. |