Hôm 13/7, lần đầu tiên trong đời ông Roberts, 60 tuổi, được gặp mẹ đẻ của mình, sau hai tuần cách ly ở một khách sạn Hong Kong. "Đó là một cuộc đoàn tụ vô cùng cảm động. Có rất nhiều nước mắt và cả đồ ăn nữa", Roberts cười nói.
Mẹ con Roberts đã xa nhau từ năm 1961, khi bà mới tròn 20 tuổi và có con khi chưa kết hôn. Người mẹ gửi con vào một trung tâm chăm sóc trẻ em tại quận Kowloon nhưng không quay lại đón. Đứa trẻ sau đó được chuyển đến trại trẻ mồ côi.
Hai tuổi rưỡi, Roberts được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi và đưa về California giống như rất nhiều đứa trẻ sinh ra tại Hong Kong vào thập niên 1950 và 1960.
Năm 2015, bà Jean Roberts - mẹ nuôi của ông Roberts qua đời. Năm 2016, ở tuổi 55, người đàn ông quyết định đi tìm mẹ ruột, khi đọc một bài báo về những đứa trẻ Hong Kong được nhận nuôi đoàn tụ gia đình.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm của ông bế tắc do chính sách bảo mật thông tin. Roberts xét nghiệm ADN và biết mình có 97% gen của người Trung Quốc nên gửi mẫu ADN cho một trung tâm ở Hong Kong với hy vọng sẽ tìm được những mẫu tương thích.
Vài năm sau, một phụ nữ sống tại Hong Kong liên lạc với Roberts, thông báo rằng người mẹ ruột mà ông đang tìm kiếm có thể là người thân trong gia đình bà. Kết quả giám định ADN khẳng định điều đó. Tháng 3/2020, hai mẹ con lần đầu tiên được nói chuyện với nhau. Roberts dự định bay sang Hong Kong để gặp mẹ nhưng rồi Covid-19 bùng phát. Cuộc đoàn tụ bị lùi đến tận giữa tháng 7/2021.
Điều mà người đàn ông này nhớ nhất khi gặp mẹ là ông được "chăm bẵm" hết mức bằng đủ loại đồ ăn. "Đồ ăn lúc nào cũng vây quanh tôi, dù là bữa trưa và hay bữa tối cùng gia đình", ông Roberts nói với truyền thông khi đã trở lại Mỹ, hôm 20/7.
Ông đã gặp gỡ những người ruột thịt khác và bất ngờ khi biết mình còn có một người chú ở Vancouver (Canada), một cháu gái ở Singapore và họ hàng ở Úc, Anh và Cyprus (cộng hòa Síp)...
Nhật Minh (Theo SCMP)