"Được ở trên cầu thang đó là một khoảnh khắc phi thường. Tôi nghĩ đến cha nuôi của mình. Ông luôn muốn giúp tôi tìm lại gia đình ruột thịt nhưng không thể. Sẽ thật tuyệt vời nếu ông ở đây cùng tôi", Claire nói.
Sau cả đời băn khoăn, cuối cùng Claire Martin cũng tìm thấy nơi lần cuối cùng được cảm nhận hơi ấm của mẹ. Việc phát hiện mình bị bỏ lại ở tầng đầu của một dãy căn hộ đã giúp cô thoải mái hơn. "Nhiều đứa trẻ sơ sinh khác bị tìm thấy trong nghĩa địa. Mẹ để tôi ở đây có nghĩa là bà muốn có người sớm nhìn thấy tôi", Martin giải thích.
Martin coi mình là một trong những người may mắn. Cô có lý do chính đáng. Hàng trăm trẻ sơ sinh, hầu hết là gái, bị bỏ rơi ở Hong Kong vì người mẹ tuyệt vọng trong nạn đói 1959-1961.
Nhiều đứa trẻ bị vứt lại cảng Aberdeen. Có đứa được giải cứu, trải qua tuổi thơ ở các nhà trẻ. Những đứa may mắn nhất được các gia đình giàu có nhận nuôi, được yêu thương, nâng niu. Nỗi đau về quá khứ bị bỏ rơi, chìm vào quên lãng.
Sau hàng chục năm, Internet xuất hiện và kết nối những đứa trẻ bị bỏ rơi năm xưa, giờ là phụ nữ trung niên đã được phương Tây hóa. Họ tổ chức các cuộc đoàn tụ, trao đổi thông tin trong quá trình tìm bố mẹ đẻ, chia sẻ về những trải nghiệm độc đáo của riêng mình.
Vào một buổi tối thứ Bảy của tháng 2, 62 phụ nữ, chủ yếu đến từ Anh, Australia, New Zealand, Canada và Mỹ - đều được phát hiện ở Hong Kong thời nhỏ, đăng nhập vào một cuộc gọi Zoom kéo dài ba giờ. "Đó là tình chị em. Nếu không gặp nhau, chúng tôi chẳng có cơ hội nói về điều này hoặc nghe người khác mô tả trải nghiệm xảy đến với họ. Tìm được người thân thì thật tuyệt. Nhưng chúng tôi nhiều người đã 60, 70 tuổi, cơ hội tìm được cha mẹ mong manh lắm. Tôi đã học cách chấp nhận", Debbie Cook, người sáng lập Mạng lưới người được nhận là con nuôi Hong Kong, nói.
Martin, hiện là giám đốc nhân sự một công ty có trụ sở tại London, có cha nuôi người Trung Quốc và mẹ nuôi người Anh. "Chủng tộc hỗn hợp còn bị kỳ thị nhiều hơn so với việc được nhận làm con nuôi", cô nói. Martin lớn lên ở Wirral, phía tây bắc nước Anh, học tại một trường tư thục ở Cheshire. Ngoài cha nuôi, cô là người da màu duy nhất trong cộng đồng và trường học.
"Khi tôi sáu tuổi, tôi đi ngủ và cầu Chúa tôi sẽ thức dậy với làn da trắng nhưng thất vọng khi tỉnh dậy", cô bé năm xưa kể. Cô cố gắng trang điểm để giống những người khác nhưng không được.
Nhưng sau này, Martin đi học tiếng quan thoại (ngôn ngữ Trung Quốc) vì thấy xấu hổ khi nghĩ mình không biết ngôn ngữ mẹ đẻ. Năm 19 tuổi, cô cùng cha nuôi đi tìm người phụ nữ đã sinh ra cô. Ông nghĩ cô bị bỏ lại ở bậc thang một nhà thờ trên đường Waterloo.
Năm 1997, cô một lần nữa cùng chồng đi tìm, khi trở về nơi mình sinh ra. Kết quả vẫn vậy.
Về nhà, Martin tìm thấy hồ sơ và giấy khai sinh của mình do cơ quan đăng ký trung tâm của Anh ở Horsham cấp. Lúc đó, Martin mới biết mình được tìm thấy trong một cầu thang ở phố Berwick, nằm giữa Sham Shui Po và Shek Kip Mei ngày nay. Cô tin mẹ mình sống ở gần đó.
Về sau, Martin lên truyền hình, đăng tin trên báo chí tìm mẹ đẻ. Kết quả kiểm tra ADN cho thấy Martin gốc Quảng Đông, nhưng vẫn không giúp cô đoàn tụ với những người ruột thịt.
Các nhà nghiên cứu của Mạng lưới những người được nhận làm con nuôi Hong Kong đang tiếp tục điều tra ADN của Martin trong một dự án, nhằm giúp nhiều người tìm được người thân càng tốt.
Tình cảm dành cho mẹ ruột thực sự ập đến khi Martin sinh con. "Khi bế con gái hai ngày tuổi trên tay, tôi nhận ra mình đã ở độ tuổi mà mẹ phải rời xa mình. Bà ấy hẳn đã rất bi đát mới phải làm vậy", cô nói.
Về phần Debbie Cook, cô cho biết không giận người mẹ đã bỏ rơi mình. Nếu được gặp lại, cô chỉ muốn nói cảm ơn: "Chúng tôi muôn cảm ơn mẹ vì đã để chúng tôi ở một nơi an toàn. Nếu không được nhận làm con nuôi ở nước ngoài, chúng tôi sẽ chẳng có cuộc sống và cơ hội đang có".
Nhật Minh (Theo SCMP)