Thứ hai, 16/9/2024
Thứ ba, 9/3/2021, 05:05 (GMT+7)

Người đàn ông 30 năm làm nghề xé quần

TP HCMÔng Trương Tấn Viễn, 57 tuổi, đã 30 năm làm nghề xé quần jean để tạo kiểu và hiện được xem là người duy nhất còn giữ nghề này ở thành phố.

Cứ 3 giờ chiều hàng ngày, ông Viễn lại từ nhà ở quận Bình Tân chạy xe đến đường Hồ Xuân Hương, quận 3, để "mở cửa tiệm" trên một đoạn vỉa hè. Gọi là cửa tiệm nhưng chỗ của ông chỉ có một chiếc ghế ngồi và vài chiếc quần jean rách mà ông đã xé sẵn, treo lên bán.

Ông Viễn kể, thời trẻ làm nghề may quần áo trẻ em. Ba mươi năm trước, có một giai đoạn làm ăn khó khăn, trong lúc ngồi quán cà phê, thấy có người bán quần jean cũ nên ông nảy ra ý định thử kinh doanh mặt hàng mới.

"Ấn tượng với những bộ quần áo jean rách của ca sĩ nhạc rock ở nước ngoài, tôi bắt chước, xé để mặc. Về sau, khi bán quần jean, tôi thử xé vài chiếc bán kèm, không ngờ khách rất thích, những chiếc quần rách bao giờ cũng bán được trước tiên. Vậy là tôi vừa xé quần để bán, vừa nhận làm cho khách. Cứ thế mà nghề này theo tôi đến tận bây giờ", người đàn ông 57 tuổi, nhớ lại.

Đồ nghề của ông Viễn chỉ gồm một chiếc dao rọc mỏng dùng để rạch vải và chiếc khẩu trang để chống bụi.

Ông thường chỉ nhận làm quần, áo bằng chất liệu vải jean dày. Tuy nhiên, ông cho biết, không phải loại vải nào khi xé xong cũng cho thành phẩm đẹp.

"Vải jean thun mà mỏng là tôi không làm vì sợi chỉ mảnh, mềm, nhanh đứt, mặc vài lần rồi thành một lỗ thủng thì xấu lắm. Vải jean đen tôi tư vấn khách không xé mà cứa từng đường ngang mặc sẽ 'chất' hơn. Riêng tôi thì thích xé quần jeans trắng nhất vì mặc lên trông rất 'ngầu'", ông Viễn cho hay.

Ông Viễn làm nhiều kiểu xé, kích thước các mảng cũng khác nhau, tùy vào yêu cầu của khách.

Có lần, một người đàn ông mang đến chiếc áo khoác jean bảo ông "xé nát". Vị khách còn cho biết chiếc áo mua gần 20 triệu. "Cũng quen với việc xé quần áo đắt tiền, tôi không ngại nhưng chưa biết 'xé nát' là xé rách đến mức nào. Tôi phải kết bạn Facebook, xé vài mảng vừa phải rồi chụp hình xem ý họ thế nào. Sau khi họ góp ý cần thêm chỗ này chỗ kia tôi mới dám mạnh tay", ông Viễn kể.

Chiếc quần này được ông thiết kế mảng xé khá cầu kỳ. Sau khi làm thủng một lỗ lớn, ông dùng vải khác màu vá bên trong sau đó mới bắt đầu xé rách trên miếng vải mới đó.

"Mục đích là để tạo điểm nhấn. Khách sở hữu chiếc quần 'bụi bặm' có một không hai. Đặc biệt, khi chán họ có thể mang đến nhờ tôi thay miếng vải khác. Vậy là có chiếc quần mới", ông Viễn cười.

Những mảng xé trên chiếc quần này ông Viễn chỉ mất khoảng 20 phút để hoàn thành. Ông tính tiền theo kích thước của các mảng. Mảng nhỏ 10.000 đồng, mảng lớn 30.000 đồng.

"Tôi luôn xem tất cả những mảng xé mà mình làm ra là một tác phẩm", ông hài hước nói.

Những chiếc quần jean cũ được ông mua về rồi tự thiết kế các mảng xé khác nhau, treo ở bờ tường dọc vỉa hè bán.

Ông Viễn cho biết, những năm từ 1995 đến 2005 là thời kỳ ông có thu nhập khá nhất, "sống khỏe" với nghề này, nuôi được hai con ăn học.

"Thời đó, Việt Nam chưa có các mẫu quần jean rách kiểu công nghiệp. Tôi thường làm cho những ca sĩ nổi tiếng thôi đó. Giờ không được như xưa nhưng tôi hài lòng với cuộc sống, thu nhập hiện tại. Nghề nào, cuộc đời nào cũng có lúc đạt đỉnh cao và cũng có lúc phải hết thời thôi ", ông Viễn tâm sự.

17 giờ, anh Đình Duẩn, 43 tuổi, một khách quen của ông Viễn ngang qua, thấy thích chiếc quần jeans xé treo trên bờ tường nên dừng lại hỏi mua.

"Chú bán quần cũ thôi nhưng tôi thích cái màu và những mảng xé, vá trên đó. Thỉnh thoảng, tôi cũng mang quần mới mua ở tiệm đến nhờ chú xé. Mình không biết cách, làm hỏng quần", anh Duẩn cho biết.

Sau khi mua quần cho mình xong, anh Duẩn còn gọi điện cho người nhà để chọn mua thêm quần của ông Viễn.

Hiện nay, mỗi ngày ông kiếm được vài chục đến vài trăm nghìn từ việc xé và bán quần jean cũ.

Ngoài xé quần, ông Viễn còn nhận may túi xách, balo từ những chiếc quần jeans cũ. Giá dao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng một chiếc.

"Tôi không biết có nên xem đây là một nghề hay không. Gọi là nghề cũng không đúng vì tôi chẳng học từ ai, cũng chẳng ai theo tôi học làm. Nhưng không xem là nghề cũng chẳng phải, tôi kiếm sống từ việc này 30 năm rồi cơ mà", ông Viễn chia sẻ.

Diệp Phan