- Việc số hóa các thủ tục quy trình của bảo hiểm xã hội thời gian qua ghi nhận kết quả ra sao, thưa ông?
- Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu quả quản lý. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Chúng tôi đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.
Ngành cũng tích cực phối hợp với cơ quan liên ngành triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông, dịch vụ công trực tuyến "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp"... tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phối hợp với ngành công an, ngành y tế triển khai: sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID); liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh, sổ sức khỏe điện tử; đồng bộ.
Chúng tôi chia sẻ thông tin giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Đến nay, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân.
Ngành cũng hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. Song song đó, nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số; đồng thời kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.
Ngoài ra, đơn vị còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.
- Hoạt động quản lý của ngành thích ứng ra sao khi chuyển từ thủ công lên số hóa?
- Khi chuyển đổi số chúng tôi muốn chuyển từ thao tác thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, nhằm tăng sự hài lòng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đến nay chúng tôi đã ứng dụng công nghệ gần 30 hệ thống thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20.000 tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Hệ thống đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc.
Đây là công cụ góp phần giúp công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia. Hàng năm, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế cùng hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành theo phương thức điện tử kết hợp thanh tra, kiểm tra truyền thống giúp tăng chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra (giảm khoảng 48%).
Với ứng dụng VssID - BHXH trên nền tảng thiết bị di động, hiện có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng; hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc.
- Người dân hưởng lợi ra sao với việc chuyển đổi này?
- Với quan điểm xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ" những gì chúng tôi đang triển khai đều mục tối ưu hóa lợi ích cho người tham gia.
Hiện, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Do đó, người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội mọi lúc, mọi nơi, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách.
Với VssID, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia - thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; thực hiện các giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Ngoài việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh, người dân còn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Từ đó, góp phần giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành đổi mới theo hướng hiện đại, thân thiện thông qua nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ người tham gia như: Hệ thống Tổng đài hỗ trợ khách hàng; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng, thiết lập Fanpage Facebook/ Zalo OA truyền thông trên hệ thống mạng xã hội... mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
- Thời gian tới ngành bảo hiểm sẽ làm gì để thúc đẩy hơn quá trình dữ liệu các thông tin?
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số của ngành. Giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, ngành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội làm trung tâm.
Trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển ngành với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...
Tuệ Anh