Trong đại dịch Covid-19, Hong Kong là một trong những nơi đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt như hạn chế đi lại, du lịch và thời gian cách ly kéo dài từ 7 đến 21 ngày với du khách nhập cảnh. Họ phải tự trả tiền cách ly và phải ở trong các khách sạn được chính quyền chỉ định. Bên cạnh đó, chính sách bong bóng du lịch hợp tác với những nơi khác lần lượt hoãn vô thời hạn do chưa đủ điều kiện an toàn.
Chính các biện pháp đảm bảo an toàn này đã giúp cho xứ cảng thơm giữ được tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp. Cho tới ngày 10/8, Hong Kong có hơn 12.000 ca nhiễm, hơn 210 ca tử vong trên tổng số 7,5 triệu dân. Bên cạnh việc cảm thấy may mắn vì được sống ở nơi an toàn, một số người dân bắt đầu có cảm giác chán nản, ghen tị và tức giận khi chứng kiến những nơi khác trên thế giới dần mở cửa trở lại.
"Ban đầu, tôi thấy may mắn vì sống ở đây, tự hào về cách chúng tôi xử lý dịch. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác. Du lịch rất quan trọng đối với tôi, đó không chỉ là những chuyến đi để thăm thân, mà còn là giảm căng thẳng trong cuộc sống", Liza, nhân viên một ngân hàng quốc tế sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, cho biết.
Khi nhìn thấy phần còn lại của thế giới học cách sống chung với Covid-19, cô cảm thấy sự tự do của mình đang bị mất. Liza không quan tâm đến việc đi ăn hàng, đến phòng tập gym. Cô chỉ quan tâm đến việc được đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, thư giãn tinh thần sau những chuỗi ngày căng thẳng này. Với cô, thành phố thành công trong việc giữ cho mọi người an toàn trong đại dịch, nhưng lại tạo ra thách thức về mặt tinh thần, và tâm lý của họ.
Cô cũng cho biết thêm nhiều người dân đều cho rằng, chính quyền đang mắc lỗi vì "thận trọng quá mức với dịch bệnh". Dù vậy đến 10/8, mới chỉ có 40,4% người dân được tiêm hai mũi vaccine. Và việc tiêm chậm cũng khiến những người đam mê đi du lịch giận giữ: "Tôi tức giận vì chúng tôi sẽ không có quyền tự do đi du lịch, cho đến khi có nhiều người tiêm phòng hơn", Liza nói thêm.
Ivor Ngo cũng có những suy nghĩ tương tự, khi thấy người dân Mỹ, Anh... có thể tự do đi du lịch. Ngô là một giám đốc kinh doanh và tiếp thị, sinh ra ở Hong Kong. Du lịch là một trong những thú vui yêu thích của anh. "Bạn bè tôi và cả chính tôi, từng chỉ trích những người đi du lịch trong đại dịch là vô trách nhiệm. Nhưng giờ tôi tin rằng nếu chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể để bảo vệ bản thân và những người khác, chúng ta có thể đi du lịch".
Người đàn ông 31 tuổi nói nếu các hạn chế về cách ly đối với người đã tiêm chủng vẫn kéo dài như hiện tại, anh sẽ rời Hong Kong. "Biết rằng mình có thể làm rất nhiều điều ở bên ngoài thế giới, nhưng lại bị mắc kẹt ở Hong Kong. Đó không phải là đang sống nữa rồi", Ngô nói.
Tháng 4 năm nay, chính quyền Hong Kong đã nới lỏng các hạn chế đối với những người được tiêm hai mũi và đến ngày 9/8 điều chỉnh thêm một số biện pháp phòng dịch theo hướng "dễ thở hơn". Thành phố cũng đơn giản hóa các cấp độ rủi ro khi giảm từ 5 cấp độ xuống còn 3.
Tuy nhiên, việc thay đổi các quy tắc, quy định kiểm dịch liên tục của Hong Kong lại gây thêm một số điều khó chịu khác cho nhiều người. Một trong số đó là Maisie Fairweather, giáo viên tiểu học người Anh đang sống ở đây. Fairweather đã đi du lịch khắp Đông Nam Á trước đại dịch. Chuyến đi nước ngoài gần nhất của cô cách đây 18 tháng. Hiện tại, cô cảm thấy tức giận vì không thể về thăm nhà.
Mọi chuyện tưởng như dễ thở hơn khi vào mùa hè năm nay khi Hong Kong mở cửa chào đón du khách Anh đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Vì vậy, cô hy vọng mình có cơ hội về thăm gia đình. Fairweather đã đặt vé máy bay về nước nhưng rồi chính quyền đột ngột gia hạn việc cách ly lên 3 tuần, bất kể tình trạng tiêm chủng. Sau đó, từ 1/7 Hong Kong cấm các chuyến bay từ Anh và vừa mới dỡ bỏ lệnh này vào 9/8. Điều này khiến cô tuyệt vọng vì quá muộn để có thể đi đâu khi năm học mới sẽ bắt đầu vào 16/8.
Cô cảm thấy vô cùng khó chịu: "Tôi cảm giác như cứ mỗi bước tiến về phía trước, chúng ta lại lùi lại hai bước. Tôi phải giữ sự lạc quan và hy vọng có thể đoàn tụ gia đình vào Giáng sinh".
Theo Fairweather, phần tệ nhất của các chính sách không phải là những hạn chế, mà là những thay đổi liên tục. Điều đó khiến không ai dám lên kế hoạch trước và dường như rất lâu mới có thể kết thúc. "Tôi nhấn mạnh rằng mình cảm thấy biết ơn vì may mắn sống ở Hong Kong, nơi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng tôi và nhiều người khác đang cảm thấy bị mắc kẹt", cô nói thêm.
Dù vậy, nhiều người Hong Kong vẫn cho rằng chính quyền đang hành động đúng. Theo Iris Law, một người dân Hong Kong, việc kéo dài thời gian cách ly lên 21 ngày là hợp lý, vì nó giúp mọi người an toàn. "Các yêu cầu kiểm dịch, lệnh cấm đi lại không phải là điều khiến hầu hết mọi người hoan nghênh. Nhưng tôi cho rằng đó là điều đúng đắn vì thời gian ủ bệnh lâu của Covid-19", Iris Law bày tỏ quan điểm.
Cô cũng cho biết thành phố có mật độ dân cư cao, và các quy định nghiêm ngặt đã giúp họ không phải đối mặt với việc bị phong tỏa toàn thành phố. Trước dịch, Law thường xuyên đi du lịch. Nhưng hiện tại, cô nói rằng an toàn phải là ưu tiên hàng đầu. Law cho rằng không an toàn để mở cửa biên giới vào hiện tại. Cô tin rằng ít nhất phải 3-4 năm nữa, mọi người mới có thể đi du lịch thoải mái như trước.
Người dân Hong Kong luôn nằm trong top những người đi du lịch nhiều nhất thế giới, theo CNN. Cục Thống kê và Điều tra sân số chỉ ra năm 2019, người dân Hong Kong đã thực hiện 94,7 triệu chuyến đi. Họ cũng chi khoảng 26,5 tỷ USD cho du lịch, biến đặc khu trở thành thị trường du lịch lớn thứ 11 trên thế giới về mức độ chi tiêu, dựa theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Các quốc gia, vùng lãnh thổ được người Hong Kong lựa chọn ghé thăm nhiều nhất là Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan với các hành trình ngắn. Nếu du lịch dài ngày, các điểm đến là châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.
Anh Minh (Theo CNN)