Thứ tư, 22/1/2025
Thứ bảy, 31/12/2016, 13:35 (GMT+7)

Người dân hào hứng đi buýt nhanh miễn phí ngày cuối năm

Tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội chạy miễn phí trong tháng đầu vận hành với kỳ vọng thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, qua đó giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Sáng 31/12, UBND TP Hà Nội khai trương tuyến buýt nhanh BRT 01 bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa. Hai ngày trước, 20 chuyến xe đầu tiên đã chạy thử nghiệm giờ cao điểm với tần suất 7-10 phút một chuyến.

Với quãng đường gần 15 km, 24 xe buýt nhanh sẽ hoạt động từ 5h tới 22h mỗi ngày với 358 lượt, riêng Chủ nhật giảm xuống còn 14 xe với 264 lượt/ngày. Tần suất 5-15 phút mỗi chuyến.

Hợp phần xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu từ 53,6 triệu USD, tổng dự toán hiện tại là 41,6 triệu USD.

Sau lễ khai trương, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng và nhiều người dân lên xe đi thử. "Tôi hy vọng loại hình giao thông mới này sẽ thu hút người dân thủ đô. Sau khi tuyến xe đầu tiên đi vào hoạt động, những bất cập sẽ được chuyên gia giao thông nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đảm bảo vận hành hiệu quả", ông Chung chia sẻ.

Nhiều người dân hào hứng lần đầu đi xe buýt nhanh trong ngày cuối cùng của năm 2016. "Nếu duy trì cách phục vụ nhiệt tình thì đi xe này cũng khá ổn", bà Bích sống ở phố Thanh Bảo nói và cho hay mong muốn nhiều người sẽ chọn xe buýt để đi học, đi làm. 

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với cơ sở hạ tầng hiện nay, trước mắt BRT sẽ hoạt động trong điều kiện ưu tiên tối đa bằng hệ thống đèn tín hiệu mà chưa có kết nối với hệ thống điều khiển giao thông thông minh và soát vé tự động.

Hệ thống cửa lên xuống xe vận hành tự động bằng phần mềm cảm ứng. Cửa xe và cửa nhà chờ không mở khi chưa khớp với phần cảm ứng.

BRT chạy trên làn riêng, phân cách bởi hệ thống vạch sơn liền gắn đinh phản quang và biển cảnh báo tại một số đoạn. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, một trạm trung chuyển tại bến xe Kim Mã. 

Tại nhà chờ có nhân viên phát tờ rơi hướng dẫn hành khách lần đầu đi buýt nhanh.

Lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội nói, loại hình vận tải hành khách công cộng mới triển khai có độ ưu tiên hơn so với các phương tiện cá nhân nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến giao thông dọc tuyến. Song để từng bước khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn, ô nhiễm môi trường, thành phố rất cần sự ủng hộ của người dân.

Bus nhanh chạy chậm do gặp các phương tiện cản trở
 
 

 

Giang Huy - Hoàng Phương