Cuối tuần qua, trung tâm UNESCO bảo tồn và giao lưu văn hóa quốc tế (Icep – Hanoi Classy) cùng nhóm Sân đình, Tôi xê dịch tổ chức “Ngày hội trò chơi dân gian Việt Nam”, hưởng ứng ngày 18/8 được UNESCO chứng nhận là Ngày trò chơi dân gian Việt Nam.
* Người dân tham gia trò chơi dân gian tại phố đi bộ
Tại sự kiện, trò đi cà kheo thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Phần nhiều người lần đầu đi cà kheo, chân chạm đất liên tục vì khó giữ thăng bằng. Chị em bé Minh Hương (bảy tuổi) được bố mẹ dẫn tham quan và trải nghiệm. Dưới sự hỗ trợ của bố, Minh Hương thích thú khi đứng vững trên đôi cà kheo.
Anh Minh – bố Hương – cho biết năm 10 tuổi, anh thường xuyên chơi cà kheo cùng nhóm bạn. Mỗi lần làng có đám hội, anh luôn có mặt trong đội thi cà kheo. Tuy nhiên, khi chơi lại cà kheo ở phố đi bộ, anh giữ thăng bằng không được lâu. Lý giải “nguyên nhân thất bại”, anh tếu táo: “Ngày xưa đi thoăn thoắt được là do cơ thể nhẹ nhàng. Giờ béo bụng nên điều khiển cây gậy cũng khó”.
Ở không gian dành cho trò ô ăn quan, các bàn chơi được kẻ sẵn. Đây là trò chơi mang tính chiến thuật nên đòi hỏi người chơi phải tính đường đi nước bước, “điều quân khiển tướng” chắc chắn. Quân trong các ván đấu là những viên sỏi trắng, thậm chí là hạt nhãn đã rửa sạch. Chị Hồng (55 tuổi) hồ hởi khi thắng bảy ván đấu liên tiếp, không cần người quân sư như bạn chơi đối diện. Người thua lẫn kẻ thắng đều cười tươi. Chị dí dỏm cho biết bạn cùng chơi hôm nay may mắn khi không bị áp hình phạt như chui qua háng người thắng cuộc. Chơi nhiều trò từ nhảy bao bố, nhảy dây, ô ăn quan, chị Hồng thấy bản thân như được trẻ lại. Những trò dân gian gợi lại cho chị nhiều kỷ niệm thời nhỏ, đội nắng, bỏ ngủ trưa để sang nhà bạn.
Phụ huynh lẫn con trẻ đều mong có nhiều không gian tổ chức các trò dân gian, mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Nhà cách phố đi bộ 10 cây số nhưng chị Hà vẫn dành ngày nghỉ cuối tuần đưa các con trải nghiệm các trò mà chị từng chơi. “Trẻ con bây giờ không còn biết đến những trò giải trí như thời xưa mà bị cuốn vào điện tử, những trò bạo lực trên máy tính, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý.Tôi sống ở chung cư nên ít không gian để có thể tổ chức trò chơi dân gian. Vậy nên, tôi ủng hộ các dự án xây dựng không gian vui chơi dành cho thiếu nhi, đặc biệt có những trò vừa đòi hỏi sự vận động của cơ thể vừa yêu cầu sự nhanh nhẹn, hoạt bát”.
Chị Thanh Nga, đại diện nhóm Sân đình mong muốn mang trò chơi dân gian quay trở lại với gia đình, trường học và các không gian sinh hoạt cộng đồng. “Cuộc sống đương đại khiến những giá trị truyền thống bị mai một. Qua chương trình, chúng tôi muốn đem đến hơi thở mới cho giá trị cũ, giúp văn hóa dân gian có thể hòa hợp cuộc sống đô thị”, chị Nga nói.
Hoạt động tổ chức trò chơi dân gian duy trì vào thứ bảy hàng tuần tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Đơn vị thực hiện dự kiến thành lập đội chơi, xây dựng các cuộc thi để thu hút người tham dự.
Trọng Trường