Trong căn nhà nhỏ, cụ Trần Văn Chung 84 tuổi cùng con gái Bích Lan (phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội) chăm chú xem vị Đại tướng huyền thoại về với đất mẹ Quảng Bình qua TV. Cụ Chung cho biết: "Khi nghe tin cụ Giáp mất, tôi lặng người đi, không thiết tha ăn uống gì. Cả ngày chỉ mong ngóng tin tức về cụ qua TV, bởi mắt tôi kém rồi, không đọc được báo nhiều. Cả tuần nay mọi người đến thăm nhà cụ, tôi tiếc mãi vì không thể đến chào từ biệt vì người quá ốm yếu. Giá mà chỉ được một lần thôi...". Người dân ngõ 165, chợ Khâm Thiên, tụ tập trước nhà hàng xóm để cùng xem truyền hình trực tiếp lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có người phóng xe máy vội về nhà nhưng không kịp, đành dừng xe trước cửa nhà hàng xóm, chẳng kịp tháo mũ bảo hiểm, cứ thế đứng xem. Nhiều người dừng chân tại các quán nước ven đường để theo dõi. Quán hàng vắng lặng, những người bán rau ngoài chợ cũng bỏ cả hàng hóa để chăm chú dõi theo chiếc TV bên kia đường. Bà Hoàng Thị Nga 67 tuổi, bán rau trong chợ Khâm Thiên ngẩn người khi nghĩ về Đại tướng: "Vì nhà không có điều kiện, bằng này tuổi rồi mà tôi vẫn bán hàng ngoài chợ chẳng được nghỉ ngơi. Hôm qua dù rất muốn đến viếng cụ Giáp nhưng tôi không thể đi được vì bận việc". "Nhiều lúc nghĩ đến cụ mà cứ bần thần hết cả người, bán hàng cũng chẳng thiết". Người bán rau ở chợ vừa xem vừa khóc. Bà Trần Thị Bình, 60 tuổi, quê ở Gia Lâm, Hà Nội, bật khóc và chắp tay cầu nguyện trong giây phút linh cữu của Đại tướng được từ từ đặt sâu dưới lòng đất. Bà gạt nước mắt cho biết: "Suốt một tuần nay, hễ cứ đọc tin về cụ Giáp là tôi lại khóc. Sáng nay vì không thể hòa vào dòng người viếng cụ trên đường phố nên tôi đành dõi theo qua TV, xem mà cứ khóc tiếc thương cụ mãi không thôi, mắt đỏ hoe hết cả". "Dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất đi, nhưng hình ảnh của cụ vẫn sống mãi trong lòng tôi và tôi chắc trong lòng vạn người dân Việt cũng vậy. Thế hệ thanh niên bây giờ có thể không thể mường tượng hết sự vĩ đại của Người, nhưng đối với thế hệ chúng tôi, Đại tướng giống như một vị cha già, người anh lớn của dân tộc với sự đức độ, tài giỏi đáng nể phục. Có lẽ sẽ còn rất rất lâu nữa Việt Nam ta mới có một người anh hùng toàn vẹn đáng ngưỡng mộ đến thế", bà nói thêm. Cụ Lê Thị Bằng, 82 tuổi, Khâm Thiên, mắt lệ nhòa theo dõi từ đầu đến cuối lễ an táng Đại tướng. Cụ chậm rãi nói: "Nhìn ảnh cụ Giáp gầy gò trên giường bệnh, tôi thấy xót xa lắm. Lúc hay tin cụ mất, tôi vội vã chống gậy đến nhà cụ ở Hoàng Diệu, xếp hàng từ 6h sáng để mong thắp cho cụ một nén nhang, kính gửi cụ một đóa hoa cúc trắng. May có các anh bộ đội thương tôi già yếu nên đã ưu tiên cho tôi được vào thăm cụ sớm hơn, không phải xếp hàng lâu. Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng đọc kinh cầu siêu cho Đại tướng sớm siêu thoát, được về cõi cực lạc với đức Phật. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lởi cảm ơn Ban tổ chức đã quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi được vào thăm viếng cụ, được dõi theo cụ cho đến khi cụ nằm lại trên quê hương Quảng Bình trên truyền hình". 5h30 chiều 13/10, kết thúc lễ an táng, cờ rủ vẫn được các hộ dân khu phố Nguyễn Quyền treo dọc con đường, bày tỏ niềm tiếc thương Đại tướng. Thu HồngĐại tướng rời Hà Nội trong nỗi tiếc thương của người dân Hà Nội rơi nước mắt tiễn đưa Đại tướng