Tháng 10/1954, sau "9 năm làm một Điện Biên", Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thủ đô trong những ngày đẹp nhất của mùa thu Hà Nội. 59 năm sau, cũng vào một ngày thu, ngày 4/10, Đại tướng từ trần, sau 103 năm tại thế. Như quy luật sinh tử, sự ra đi của ông không bất ngờ, nhưng dường như nó đã tạo ra một cơn chấn động. Người dân Việt Nam bàng hoàng nhận ra rằng, ông vĩnh viễn đã trở thành huyền thoại, họ vĩnh viễn đã mất đi một điểm tựa tinh thần vững chắc suốt một thế kỷ qua.
Sau những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi chiến đấu trên các chiến trường khắp cả nước và nửa đời gắn bó với mảnh đất Thủ đô, Đại tướng đã chọn quê mẹ làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông sẽ về lại Vũng Chùa, Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để yên giấc nghìn thu.
Người dân chờ đợi tại khu vực Kim Mã (click để xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Anh.
Trong ngày cuối cùng Đại tướng còn ở Hà Nội, hàng trăm nghìn người dân từ khắp nơi đã đổ về các tuyến phố mà linh cữu Đại tướng đi qua. Họ tập trung từ 5h sáng, mang theo hoa, ảnh và những kỷ vật quen thuộc khác gợi nhớ về ông. Lực lượng an ninh cũng dàn hàng dày trên phố, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phó ban tang lễ - phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - có mặt từ rất sớm.
Cùng thời điểm đó, tại TP HCM, từ 6h sáng, khoảng 2.000 người đã về Hội trường Dinh Thống Nhất TP HCM để tham dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bảy màn hình được bố trí trong và ngoài hội trường để tiếp sóng trực tiếp lễ truy điệu diễn ra tại Hà Nội. Trong Hội trường chính là lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở ban ngành, cựu chiến binh. Ngoài sân phía trước hội trường là các khối đoàn thể và người dân thành phố.
Còn ở Quảng Bình, hàng nghìn người tập trung trong và trước UBND tỉnh để dự lễ truy điệu Đại tướng. Những tiếng nấc, những bàn tay quệt vội lên mắt. Họ đã sẵn sàng đón người con ưu tú nhất của quê hương trong ngày trở về.
Lễ truy điệu được cử hành từ lúc 7h sáng. Gia quyến Đại tướng tề tựu đông đủ tại nhà tang lễ. Phu nhân Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, phải ngồi ghế vì tuổi cao, sức yếu. Dù gương mặt khá mệt mỏi, thỉnh thoảng, bà lại ngước đôi mắt qua cặp kính dày nhìn lên linh cữu của người chồng quá cố. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cũng phải ngồi ghế dự lễ truy điệu.
Sau lời tuyên bố của Phó ban Lễ tang - Nguyễn Xuân Phúc, quân nhạc cất lên giai điệu quốc ca. Trưởng ban Lễ tang - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đọc điếu văn tiễn đưa vị tướng huyền thoại (xem video).
Trong điếu văn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp quan trọng của Đại tướng trên các cương vị khác nhau. Điếu văn nhận định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Vị tướng của nhân dân". “Đại tướng có công lao to lớn, có những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”, điếu văn khẳng định. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và gia quyến đồng chí”.
Thay mặt gia đình phát biểu ngay sau bài điếu văn, con trai cả Đại tướng - ông Võ Điện Biên - với đôi mắt đỏ hoe, nặng trĩu - đã chia sẻ những lời đáp từ với giọng nói nghèn nghẹn (xem video và đọc toàn văn bài phát biểu). Trước hết, gia đình Đại tướng cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quân đội cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước "đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của ba chúng tôi là trở về quê hương". Tiếp đó, ngoài lời tri ân dành cho hàng triệu người dân Việt, ông Võ Điện Biên gửi lời cảm ơn riêng đến "quân đội, Bệnh viện Quân y 108, tập thể A11" - nơi đã chăm sóc Đại tướng trong hơn 1.500 ngày nằm viện.
Con trai cả của vị Đại tướng nhấn mạnh: "Trong những phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng Đại tướng trong cuộc trường chinh và cho tới phút cuối cùng". Nói đến đây, ông Điện Biên dừng lại khá lâu vì xúc động, rồi nói tiếp: "Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng".
Chặng đường linh cữu đi qua trên đường ra sân bay là chặng đường đầy nước mắt của người dân. Sau lễ truy điệu, khoảng 7h30, đoàn linh xa xuất phát từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông qua Đại học Tổng hợp tiến thẳng về Nhà hát lớn (xem video). Từng tốp người chờ đợi hai bên Nhà hát Lớn đứng ngồi không yên. Chốc chốc, họ lại ào dậy khi có ai đó thốt lên: "Xe Đại tướng đến rồi kìa". Trên từng gương mặt từ cụ già đến các em thơ, ai cũng hồi hộp chờ mong giây phút được nhìn thấy Đại tướng lần cuối trước khi Người trở về đất mẹ. Khi đoàn xe đến, không ai bảo ai, hai bên đường, mọi người đều đồng loạt đứng dậy, tay cầm hoa, tay lau nước mắt. Hai chị em cô bé Phương Linh đến từ trường tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Du ôm nhau nghẹn ngào. Từ khi Đại tướng mất, mỗi khi nhắc đến tên cụ, Linh lại nức nở không cầm được lòng.
Sau khi qua các tuyến phố lớn của Hà Nội, đoàn xe dừng lại trước nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Tiêu binh rước di ảnh ông vào nhà, theo sau là gia quyến. Các thành viên của gia đình thực hiện một số nghi lễ tâm linh trước khi đưa Đại tướng tiếp tục hành trình cuối cùng của mình. Trong khi đó, hàng trăm người dân quỳ trên đường Hoàng Diệu khóc nức nở. Một nhóm Phật tử tụng kinh niệm Phật cho hương hồn ông. Tiếng khóc vang dậy cả góc phố (xem video).
Hơn 9h, đoàn xe tới sân bay Nội Bài, nơi có chiếc chuyên cơ ATR72 được chuyển đổi thành máy bay chở linh cữu, chờ sẵn. Năm xe con dẫn đầu và sáu chiếc xe chở tiêu binh đưa linh cữu từ từ tiến vào. Theo sau là đoàn xe chở vòng hoa. Linh xa đi giữa các hàng rào lực lượng an ninh nghiêm cẩn. Trước đó chừng một giờ, bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có mặt tại sân bay để kiểm tra an ninh trước khi đoàn đến. Trong khoảng một giờ trước và sau khi hai chuyên cơ phục vụ tang lễ cất cánh, không một máy bay chở khách nào được hoạt động.
Sau những giai điệu quân nhạc hùng tráng, đội nghi thức dỡ mặt kính phía trên. Bốn chiến sĩ đứng hai bên chuẩn bị nghi lễ chào cờ và nâng linh cữu Đại tướng lên máy bay. Trước giờ máy bay cất cánh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước xếp hàng ngang trước máy bay, chào Đại tướng lần cuối. Các quan chức Nhà nước lên chuyên cơ A321 mã hiệu 1911 để đi cùng đoàn về Quảng Bình. Còn đi cùng Đại tướng trên chuyến TR 72 có khoảng 40 người, gồm gia quyến, các vị tướng túc trực cạnh linh cữu và tiêu binh.
10h30, chiếc ATR 72 cất cánh, đưa Đại tướng vĩnh viễn rời xa Hà Nội - mảnh đất ông đã gắn bó hơn nửa đời người. 11h50 ngày 13/10, máy bay đáp xuống sân bay Đồng Hới, Quảng Bình. Khoảng 17h cùng ngày, thi hài Đại tướng được an táng tại Vũng Chùa, Đảo Yến.
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong hai ngày. Trước lễ truy điệu 13/10, người dân đã có một ngày đến viếng ông tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội và nhiều ngày trước đó đến tưởng niệm ông tại số 30 Hoàng Diệu. Dù biết rõ vị thế của Tướng Giáp trong lòng dân, biển người đổ đến tỏ lòng tiếc thương Đại tướng vẫn khiến người ta ngỡ ngàng. Dường như, ông đã trở thành người thân của mỗi một gia đình. Vì thế, khi ông mất, theo truyền thống đạo lý của người Việt Nam "nghĩa tử là nghĩa tận", mỗi người đều cảm thấy phải trở về bên ông, bởi nếu không, dường như người ta sẽ áy náy, day dứt. Hơn 40 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Việt Nam lại có một "tang lễ của nhân dân" - một sự kiện mà đồng bào bỗng dưng xích lại gần nhau và dễ dàng chia sẻ niềm đau chung qua từng ánh mắt.
VnExpress