Có thể nói, bệnh nhân "thứ 17" xuất hiện tại Việt Nam, phá vỡ chuỗi 23 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, cũng là chuyện khó tránh trong bối cảnh toàn cầu đang phải gồng mình ngăn chặn sự lây lan đáng sợ của nCoV.
Trong những ngày chống dịch này, tôi nhớ đến hai câu chuyện. Nhớ thời học tiểu học, đi qua con đường bùn lầy khi mùa mưa, tôi một tay ôm cặp sách, một tay cầm đôi dép tổ ong, 10 ngón chân bấm sâu xuống đường để không "vồ ếch". Một ngày, con đê bị vỡ ở vị trí trọng yếu, cơn lũ tràn về, khắp nơi mênh mông nước trong cơn bàng hoàng, thảng thốt của người dân. Đó là trận lụt khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến.
Lũ trẻ hồn nhiên ngày ấy không thể hiểu hết những mất mát do thiên tai gây ra, thậm chí còn thích thú vì được nghỉ học cả tháng, được nghịch nước, được đi thuyền, được câu bắt tôm cá ngay tại sân, vườn nhà mình. Nhưng nghe thông báo từ loa xóm, hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong biển nước, rất may không có thiệt hại về người. Bởi trước đó, người dân đã được cảnh báo và thực hiện các phương án di dời nhằm đối phó với trận lụt lịch sử.
Trẻ em, người già được khẩn trương đưa đến trạm y tế chăm sóc. Thuốc chống dịch tả được phát kịp thời cho từng người. Đồ đạc từng nhà bị lụt cũng được nhanh chóng chuyển tới nơi khô ráo và niêm phong, đánh dấu cẩn thận, tránh thất lạc. Lúa thóc, trâu, bò, lợn, gà được đưa lên đồi trong ánh mắt rưng rưng của bà con vất cả quanh năm. Không ít nhà "mất trắng" được chính quyền bố trí chỗ ăn ở, được xóm giềng chia sẻ từng bò gạo, bát cơm dù đạm bạc vẫn cảm thấy ấm lòng.
Không ai bảo ai, nhưng trên tất cả, trong lúc nguy nan, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái chính là sức mạnh vô bờ để xoa dịu cơn giận dữ của "mẹ thiên nhiên".
Câu chuyện thứ hai: Thời còn làm ở một tờ báo giấy có tiếng, tôi vẫn nhớ câu nói của một đồng nghiệp cũ: "Chúng ta đoàn kết vì chúng ta còn nghèo". Nghe được câu ấy, sếp - chủ trì cuộc họp có vẻ không hài lòng, vẻ mặt tối sầm xuống chẳng nói được gì vì vẫn nợ lương anh em. Lỗi không phải ở sếp vì đó cũng là thời kỳ đi xuống của báo giấy trên thị trường truyền thông.
Đi làm mà bị chậm hoặc nợ lương thì đúng là khốn khổ nhất trên đời đối với người lao động. Thậm chí, có người bị nợ lương tới nửa năm. Thế nên, nhiều anh em phải cày cuốc thêm việc khác để kiếm sống. Nhưng vì đam mê với nghề, hạnh phúc khi có tên trên mặt báo, truyền hình, anh em động viên nhau cùng cố gắng chờ với hy vọng "sau cơn mưa trời lại sáng"...
Bồi hồi nhớ lại hai kỷ niệm trong hai thời điểm, tôi liên tưởng tới dịch nCoV lúc này. Dù không phải là thiên tai, nhưng hậu quả của đại dịch từ Vũ Hán có thể còn khủng khiếp hơn bất cứ thiên tai nào trên thế giới.
Cuộc sống có thăng có trầm âu, lúc thịnh lúc suy âu cũng là quy luật tự nhiên. Trong mỗi đơn vị hay tập thể, khó khăn là của chung, và cách duy nhất để vượt qua là chung tay đoàn kết. Người Việt Nam đã rất nhiều lần chứng minh tinh thần ấy qua những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Thủ đô Hà Nội cũng đã chứng minh tinh thần ấy trong 12 ngày đêm làm nên lịch sử với trận Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng. Cuộc chiến chống Covid-19 của Hà Nội hôm nay chắc chắn sẽ kéo dài hơn 12 ngày đêm và nhiều người có cảm giác như mới bắt đầu xây chiến hào giữa lòng thủ đô năm ấy, ta "đánh giặc trên mâm pháo".
Việc người dân đổ xô từ đêm để tranh nhau mua đồ ăn, tích trữ lương thực, chất đống trong nhà những mỳ tôm, bún, cháo, phở... chỉ là phản ứng tức thời khi nỗi sợ lấn át lí trí chúng ta. Vậy nên, phương thuốc hữu hiệu nhất lúc này để chúng ta phòng tránh đại dịch chính là đoàn kết. Về lâu dài, sự đoàn kết, sự chia sẻ, ý thức từng người để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng mới là chìa khóa quyết định chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến với quy mô toàn cầu này.
Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết cần lan tỏa cho từng cá nhân, từng gia đình, từng khu phố, từng phường xã, từng quận huyện, từng tỉnh, thành phố, từng quốc gia cho tới toàn cầu. Tất nhiên, đoàn kết lúc này không phải là tập trung đông để tăng khả năng lây nhiễm Covid-19. Mặt khác, đoàn kết cũng không phải là tập trung bới móc, thậm chí nguyền rủa những người bị nhiễm hay nghi nhiễm.
Thay vào đó, đoàn kết là mỗi người trong chúng ta cần cùng nắm vững mọi phương cách phòng tránh Covid-19, tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của chính quyền. Bởi chúng ta đang đối mặt với kẻ thù chung, tất cả ngành nghề đều bị ảnh hưởng chứ không riêng cá nhân nào. Với những người trục lợi gom hàng để bán với giá cắt cổ, liệu họ có thể tồn tại một khi nCoV lây nhiễm tới hàng xóm của họ?
Thực tế, đó chỉ là "những con sâu bỏ rầu nồi canh". Hãy nhìn những tấm gương tốt, những hành động đẹp. Những y tá, bác sĩ đang ngày đêm túc trực đón tiếp, khám, chữa cho bệnh nhân, mang đồ ăn, thực phẩm tới tận tay những người ở khu bị cánh ly. Những cán bộ của từng khu vực kiểm tra, đôn đốc dân cư nâng cao ý thức phòng tránh bệnh dịch. Từng sân bay, hải cảng hay cửa khẩu biên giới, lúc nào cũng có các "chiến sĩ" âm thầm hoàn thành nhiệm vụ...
Trên tất cả, tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết của cả dân tộc mỗi khi đứng trước sóng gió, Hà Nội, Việt Nam và cả thế giới sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy thách thức này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.