Sáng 3/5, dọc bờ biển dài khoảng một km đoạn qua đảo Lan Châu, phường Thu Thủy, sò huyết bị sóng lớn đánh dạt vào bờ. Nhiều điểm sò chất dày 5-8 cm, rộng hàng chục mét. Người dân địa phương, du khách mang theo bì tải, rổ, chậu nhựa... ra biển nhặt.
Cầm bì tải đi sát mép nước quan sát, cứ vài giây bà Nguyễn Thị Hải, 52 tuổi, trú phường Thu Thủy, lại cúi xuống nhặt sò đường kính 4-5 cm đang nằm lẫn trong cát, sau 2 tiếng thu 30 kg. "Loài này sống cách bờ 8-9 hải lý, độ sâu 2 m. Hai hôm nay thời tiết thay đổi, đang nắng nóng chuyển sang mưa giông, ngoài khơi biển động nên có thể sò bị sóng đánh dạt vào", bà Hải nói.
Ngư dân Nguyễn Văn Thắng, 58 tuổi, trú thị xã Cửa Lò, đã huy động ba thành viên trong gia đình bắt được hơn 100 kg sò huyết sau 3 tiếng. Theo ông Thắng, vào mùa để bắt 100 kg sò huyết, nhóm ngư dân 5-7 người phải dùng thuyền công suất 70-90 CV đánh bắt trong hơn 10 tiếng mới đạt được.
Giữa buổi sáng và cuối giờ trưa cùng ngày, hàng chục thương lái mang thùng xốp đựng đá lạnh đến bờ biển thu mua sò huyết với giá 15.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Trong buổi sáng, trung bình một gia đình thu từ 500.000 đồng đến hơn 1,5 triệu đồng.
Đầu giờ chiều, sò không còn bị sóng đánh dạt vào. Dọc bãi biển chỉ còn những đống sò nhỏ đã chết hoặc các lớp vỏ, xung quanh lác đác vài người đi nhặt.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch phường Thu Thủy, cho biết số lượng sò huyết dạt bờ ước tính hàng tấn. Hiện tượng này thi thoảng xuất hiện tại địa bàn. Phường đang cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, lên kế hoạch điều xe tải đến thu gom, xử lý sò chết và vỏ để làm sạch bãi biển, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sò huyết hình bầu dục, vỏ màu trắng, khi trưởng thành dài 5-6 cm, rộng 4-5 cm. Ruột loại hải sản này màu đỏ, được chế biến thành nhiều món ăn như nướng mỡ hành, hấp, xào me và bơ tỏi, nấu cháo, làm gỏi...
Sau chuỗi ngày nắng nóng kéo dài, hai hôm nay Nghệ An mưa nhiều nơi. Vùng biển sóng to gió lớn, các huyện miền núi xuất hiện lốc xoáy, mưa đá.