Thứ ba, 25/2/2025
Thứ ba, 6/12/2022, 20:00 (GMT+7)

Người dân cù lao miền Tây trắng tay sau sạt lở

Vĩnh LongHàng chục hộ dân cù lao An Bình, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, trắng tay khi nhà cửa, vườn cây, ao cá bị cuốn xuống sông Cổ Chiên sau một đêm.

Khoảnh khắc nhà dân bị nhấn chìm do sạt lở
 
 

Khoảnh khắc nhà dân bị nhấn chìm xuống sông ở Vĩnh Long.Video: Huy Phong - Mỹ An

Hàng chục ha đất trồng cây ăn trái, ao cá cùng nhiều nhà dân ở cù lao An Bình tại ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, bất ngờ bị cuốn sụp hoàn toàn xuống sông Cổ Chiên trong chiều và đêm 5/12.

Vị trí xảy ra sạt lở. Sông Cổ Chiên dài 82 km, là nhánh của sông Tiền, ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Theo thống kê của chính quyền địa phương, 16 hộ với 58 nhân khẩu bị ảnh hưởng, thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Trong đó, có 13 căn nhà và khoảng 15 ha đất vườn chìm xuống sông Cổ Chiên.

Sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 250 m, cặp sát căn nhà gia đình ông Lê Quốc Hoàng Nam, 53 tuổi, tại ấp Bình Thuận 1, xã Hoà Ninh. "Hơn 2.000 m2 đất trồng cây ăn trái đang cho thu hoạch bị nước cuốn đi. Đêm qua cả nhà sơ tán sang nhà người thân ở nhờ, chờ chính quyền địa phương bố trí nơi ở tạm", ông Nam nói.

Dấu tích còn sót lại khi căn nhà của mẹ ông Nam (nằm kế bên) chìm xuống sông Cổ Chiên.

"Đoạn sạt lở dài khoảng 500 m, cuốn trôi bờ đê quốc phòng, ăn sâu vào vườn cây, nhà dân bên trong 250-300 m", ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh nói và cho biết hiện tình trang sạt lở vẫn diễn biến phức tạp, chưa dừng lại.

Anh Nguyễn Duy Khánh, 34 tuổi, chỉ vị trí vườn chôm chôm 1,7 ha đang cho trái cùng ngôi nhà của mình, cách bờ sông gần 200 m, giờ là "biển nước".

Bà Bùi Thị Lệ, 62 tuổi, bật khóc khi sạt lở cuốn trôi nhà cửa, vườn cây trong chốc lát. "Đất lở, cây cối, nhà cửa trôi ầm ầm theo cơn nước, mọi người chỉ kịp hô hoán chạy ra ngoài thoát thân, không kịp mang theo thứ gì, giờ coi như trắng tay", bà Lệ nói.

Tài sản của vợ chồng ông Cao Văn Mười, 70 tuổi, mang theo là mền gối, quần áo và một ít vật dụng chất lên chiếc xuồng, trước khi căn nhà cùng mảnh vườn sụp xuống sông.

Chính quyền địa phương huy động lực lượng sơ tán tài sản của những hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm, chiều 6/12.

Người dân bứng cây kiểng có giá trị di dời khỏi khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Do đoạn đê hàng trăm mét bị cuốn trôi, nước sông Cổ Chiên tiếp tục tràn vào gây ngập úng vườn cây ăn trái người dân và tiếp tục nguy cơ sạt lở.

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ người dân gặp nạn, ngày 6/12. Chính quyền địa phương đã sơ tán gần 20 hộ dân (trong đó có 13 hộ mất nhà) ở khu vực này vào nơi an toàn, ở nhờ nhà người dân, trú tạm tại nhà văn hoá xã.

Tình trạng xói mòn bờ sông khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 1992, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm khu vực mất 300-600 ha đất. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở do khai thác cát quá mức làm dòng chảy của sông thay đổi.

Cửu Long - Nguyên Anh