Sáng ngày 22/5, như thường lệ tôi thường la cà bên ly cà phê ở quán cóc gần khu chung cư nơi tôi ở cùng một vài người bạn của mình. Chúng tôi tự đặt cho cái quán cóc không tên ấy là quán "Bố Già" và lần này chủ đề bàn luận sôi nổi nhất của chúng tôi xoay quanh chủ đề về "Bắt người phạm tội".
Thực ra câu chuyện này được chúng tôi nói nhiều từ những ngày trước, khi có một anh là giảng viên trường Đại học An ninh được khen thưởng vì việc anh đã cùng người dân bắt được tên cướp giật và bây giờ là các anh bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh chặn bắt cướp.
Câu chuyện trở lên sôi nổi hơn, bởi lần này chúng tôi còn được xem cả đoạn clip thể hiện việc các anh bảo vệ sử dụng các thanh chắn để chặn đường "bắt cướp".
Đây quả thực là câu chuyện đáng mừng, cho thấy tinh thần của người dân, sẵn sàng góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
>> 'Nhà chức trách không thể để các hiệp sĩ bắt cướp thay công an'
Tuy nhiên, khi xem đoạn clip được người dân đưa lên mạng thể hiện quá trình các anh bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng "bắt cướp", trong lòng tôi có sự lo lắng, không vui.
Tôi nhớ lại vào hồi tháng 4/2022 Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết thực hiện tạm giữ Lê Hoàng Anh, Đặng Đình Cường và Phạm Minh Phúc để điều tra về hành vi "giết người". nguyên nhân là do Anh, Cường, Phúc khi đang ngồi nhậu thì thấy hai người đi xe máy nghi bắt trộm chó, mèo lên cả ba đã lên ôtô để đuổi theo.
Sau một hồi truy đuổi, cả ba thống nhất tông thẳng ôtô vào đuôi xe máy mà những người "nghi" là trộm cắp điều khiển, hậu quả sau cú tông xe đó, xe máy của các đối tượng bị tông bị đổ, hai đối tượng nghi trộm chó bị ngã văng ra đường, trong đó một người chết ngay tại chỗ và một người bị thương.
Vụ này sau đó đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Anh, Cường, Phúc.
Ngược thời gian, chúng ta dễ dàng tìm hiểu để biết được có nhiều vụ mà người bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật vướng vòng lao lý. Như vụ anh Phạm Văn Hải và anh Ngô Văn Cường bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố về hành vi giết người (hai anh này đã có hành vi là sau khi phát hiện đối tượng bắt trộm chó, hai anh đã khóa cổng lối đi chung và sử dụng gậy gỗ đập vào đầu nạn nhân dẫn tới nạn nhân tử vong tại chỗ).
Hay như vụ "hiệp sĩ" Thạch Đạt thuộc câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phường Phú Hòa (Bình Dương) đang ngồi uống trà sữa cùng bạn gái ở một quán ven đường thì phát hiện hai thanh niên chạy xe vụt qua với tốc độ cao, người ngồi sau ôm chiếc tivi.
Nghi ngờ cả hai mới đi trộm về, chàng "hiệp sĩ" liền bỏ bạn gái, phóng xe đuổi theo, khi truy đuổi đến ngã ba Sư Gia thì xe do "hiệp sĩ" điều khiển đã va chạm với chị Phạm Thị Thu Hiền (24 tuổi), hậu quả của vụ va chạm đó khiến Đạt bị thương nhẹ, còn chị Hiền bị chấn thương sọ não, tỷ lệ thương tật trên 30%.
Sau đó Đạt đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam điều tra. Không chỉ vậy, Đạt phải đối mặt với đòi hỏi bồi thường gần 60 triệu đồng. Nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ tương tự, thậm chí ngay cả những người được đào tạo bài bản trong các trường Công an nhân dân, trong nhiều trường hợp khi truy đuổi người có hành vi vi phạm pháp luật cũng xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
>> 'Nếu TP HCM gắn camera khắp đường phố, trộm cướp sẽ giảm'
Tuy vậy, dưới bất kỳ góc nhìn nào thì hành động dũng cảm khi bắt cướp hay góp phần nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân là điều đáng được ca ngợi.
Nhưng để đảm bảo an toàn khi thực hiện việc "bắt người phạm tội" người dân cần nắm được quy định của pháp luật.
Cụ thể, hiện nay theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, sung năm 2021 thì bắt người phạm tội được quy định tại Mục I. Biện pháp ngăn chặn, chương VII của Bộ luật này, theo đó việc bắt người được thực hiện trong những trường hợp sau: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Ngoài ra, Bộ luật TTHS còn quy định việc bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ tại Điều 503, chương XXXVI của Bộ luật này.
Nghiên cứu các trường hợp bắt trên, chúng ta thấy việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt bị can, bị cáo để tạm giam hay bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ đều là những trường hợp mà người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt, người thực hiện việc bắt phải là những người có thẩm quyền được quy định trong Bộ luật TTHS. Chỉ có hai trường hợp mà người dân có quyền bắt, đó là trường hợp bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã.
Đối với trường hợp bắt người đang bị truy nã, cần xác định được người bị bắt chính là người đang bị truy nã (có quyết định truy nã).
Đối với trường hợp quả tang, người dân cần xác định đây là trường hợp khi phát hiện một người nào đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Như vậy, có thể khẳng định việc người dân tham gia bắt người phạm tội, đặc biệt là trong trường hợp phạm tội quả tang là được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc bắt cướp nói riêng, bắt người phạm tội nói chung chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Chính bởi vì có khó khăn và đây là việc làm quan trọng trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong điều tra tội phạm nói riêng nên trong chương trình đào tạo của các Trường Công an nhân dân, có riêng một bài thuộc học phần chiến thuật điều tra để phục vụ việc nghiên cứu sâu về nội dung này với yêu cầu đặt ra là các sinh viên sau khi ra trường biết vận dụng chiến thuật bắt để bắt giữ được đối tượng và đảm bảo an toàn cho cuộc bắt, an toàn cho người đi bắt, an toàn cho những người có mặt tại địa điểm khi tiến hành bắt người và an toàn cho chính đối tượng cần bắt.
>> Hai hiệp sĩ Sài Gòn tử vong khi bắt trộm: 'Lục Vân Tiên' bị đâm gục
Tính chiến thuật được thể hiện rất cao trong từng trường hợp bắt cụ thể, chính bởi như vậy cho nên trong đấu tranh phòng chống tội phạm, theo báo cáo kết quả thống kê trên website của Bộ Công an, năm 2021 cả nước xảy ra 41.728 vụ phạm tội về Trật tự xã hội, 4.629 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 804 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm, 26.193 vụ phạm tội về ma túy, lực lượng Công an đã triệt phá, bắt rất nhiều đối tượng vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn khi thực hiện việc bắt.
Từ những nhận thức trên, tôi thấy rằng việc bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, người đang bị truy nã là việc làm đáng được hoan nghênh, thể hiện tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm cao của người dân.
Nhưng để bắt được người phạm tội cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để xác định hành động của mình là đúng quy định, trong quá trình truy bắt cần đảm bảo an toàn khi thực hiện việc bắt. Có thể trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận bắt giữ đối tượng khó khăn, nguy hiểm, người dân trong quá trình truy đuổi có thể chỉ thực hiện việc quan sát để nắm được di biến động của đối tượng cần bắt và cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời cho lực lượng chức năng để lực lượng này với chuyên môn của mình sẽ tìm cáchc tiếp cận, khống chế bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
Người dân cần hết sức tránh rơi vào trường hợp quyết tâm, bằng mọi giá bắt giữ bằng được đối tượng mà để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, có thể sẽ rơi vào những tình huống pháp lý rắc rối như nhiều luật sư đã phân tích trên các phương tiện truyền thông.
Phạm Quang Phước
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.