![]() |
Tiền kim loại là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại |
Với mục tiêu tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển của các thiết bị tự động, cuối năm 2003, Ngân hàng Nhà nước VN chính thức phát hành đồng tiền xu với 5 mệnh giá khác nhau. Đến nay, có khoảng 20 triệu tiền xu được lưu thông ra thị trường mỗi tháng, trong đó chủ yếu tập trung chủ yếu ở khu vực TP HCM.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả điều tra về nhu cầu sử dụng tiền xu ở 5 nhóm đối tượng tại khu vực TP HCM vừa được tiến hành cho thấy, có tới trên 90% khách mua hàng tại siêu thị chấp nhận khi nhân viên dùng tiền kim loại để trả tiền thừa. Ngoài ra, hầu hết các trạm bán xăng, cửa hàng, hiệu sách khi được hỏi đều chấp nhận hình thức thanh toán bằng tiền kim loại.
Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ thời điểm cuối năm ngoái khi có thông tin về chủ trương không phát hành tiền giấy mệnh giá nhỏ của Ngân hàng Nhà nước, thói quen sử dụng tiền kim loại của người dân vẫn không hề thay đổi. Những đồng tiền giấy dù cũ rách vẫn được người dân chuyền tay để mua sắm hằng ngày.
Nhiều người biện minh, với cơ cấu mệnh giá nhỏ nhưng tiền xu lại có trong lượng nặng hơn tiền giấy rất nhiều, nếu mang theo bên mình để phục vụ việc mua sắm thì rất bất tiện. "Giả sử có khoảng 100.000 đồng trong tay chẳng biết sử dụng vào việc gì", chị Hà, nhân viên một công ty chuyên về nội thất nói.
Theo chị, nếu muốn sử dụng tiền xu vào việc mua sắm chỉ có cách là mang đến siêu thị, còn ở các chợ phần lớn người bán đều từ chối hoặc lấy lại hàng nếu người mua có ý định trả tiền xu. Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm hơn thì cho rằng, nếu có tiền kim loại trong tay, họ sẽ gom lại để cuối tháng thanh toán tiền điện thoại hoặc tiền nước... bởi nếu mang liền một lúc 50.000-100.000 đồng tiền xu trong người thì sẽ rất nặng và dễ rơi mất.
Lâu nay, việc sử dụng tiền kim loại như thế nào cho hiệu quả vẫn là nỗi băn khoăn của không chỉ người dân mà của cả những cán bộ làm công tác giao dịch tại các ngân hàng.
Bà Lâm Thị Hạnh, Phó phòng kho quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VB Bank) cho biết, hiện nay, nhận thức của người dân về tiền xu đã bắt đầu khá hơn so với thời điểm mới phát hành. Tuy nhiên, xu hướng chung, người dân vẫn chưa quen và chưa thích tiêu tiền xu bởi giá trị của nó nhỏ và rất bất tiện khi mang theo mình. Mỗi lần như vậy, nhân viên VP Bank phải giải thích rằng đây là chủ trương của Nhà nước và đôi khi phải "ép" khách hàng mới chịu nhận một cách rất miễn cưỡng. "Bản thân chúng tôi cũng gặp khó khăn khi tiến hành kiểm đếm và bảo quản. Nhiều khi, chúng tôi còn bị nhầm lẫn vì màu của nó cứ na ná giống nhau", bà Hạnh nói.
Năm nay, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rót xuống các Ngân hàng thương mại những loại tiền xu có mệnh giá dưới 5.000 đồng. Số tiền này lại được các ngân hàng thương mại chuyển về các đơn vị khác tiêu thụ khác như siêu thị, bưu điện...
Bà Lê Thị Xuân Hương, Trưởng phòng kho quỹ Ngân hàng Á Châu (ACB) thừa nhận, với những khách hàng có nhu cầu lớn về tiền mệnh giá nhỏ như các siêu thị, bưu điện, nhà hàng khách sạn... thì việc chi trả có vẻ dễ dàng. Hơn nữa, do chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không phát hành tiền giấy mệnh giá nhỏ nên những đơn vị này "buộc" phải nhận tiền kim loại.
"Cơ bản thì các đồng tiền xu là có giá trị, nhưng hiện giờ giá trị sử dụng của nó chưa cao bởi chưa phổ biến rộng rãi các loại máy bán hàng tự động", bà nói. Do vậy, khi trong kho có khối lượng khoảng 10 túi tương đương với 50 triệu đồng là ACB sẽ đi nộp vào kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước.
Bà Hương thừa nhận, tuy mệnh giá nhỏ nhưng trọng lượng của tiền kim loại nặng hơn tiền giấy nên cả nhân viên ngân hàng và người tiêu dùng đều có tâm lý không thoải mái khi sử dụng, việc kiểm đếm cũng lâu hơn vì nó tủn mủn.
Dưới cái nhìn khả quan hơn bà Phạm Thị Huyền Trưởng phòng kho quỹ Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng, việc bảo quản hay đóng gói đối với nhân viên ngân hàng không phải là vấn đề đáng ngại. Với sự trợ giúp của các loại máy đếm tiền nên việc đóng gói sẽ nhanh hơn. "Vấn đề cơ bản hiện nay là làm thế nào để người dân hiểu và quen với việc sử dụng tiền xu. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc lưu thông tiền kim loại một cách rộng rãi", bà nói.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toản, Phó cục trưởng Cục phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước VN thừa nhận, hiện nay, tiền xu được lưu thông ra thị trường chưa nhiều vì so với tiền giấy tiền kim loại nặng và khó đóng gói bảo quản. Đây cũng là khó khăn của hầu hết các nước khi phát hành tiền kim loại.
Tuy nhiên, theo ông Toản nếu chỉ nhìn vào những bất tiện đó để cho rằng không nên phát hành tiền kim loại là chưa thỏa đáng mà phải có cái nhìn tổng thể hơn về giá trị của loại tiền này trong mục tiêu phát triển hệ thống bán hàng tự động.
Thực tế ở các nước đã sử dụng tiền kim loại từ nhiều năm và đã trở thành thói quen của công chúng, bất tiện này ảnh hưởng không đáng kể đối với việc lưu thông tiền kim loại. Hơn nữa hiện nay một đồng tiền giấy có mệnh giá tương đương chỉ có thể dùng được 8-10 tháng là phải hủy, còn một đồng tiền xu loại tốt, thời gian sử dụng là 40 năm, loại bình thường cũng được 20 năm. Như vậy chi phí in, đúc tiền sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Theo ông Toản, để thay đổi thói quen của người dân cần rất nhiều thời gian. Hơn nữa, mục đích của việc phát hành tiền mới là nhằm khuyến khích các dịch vụ tự động như bán hàng tự động, gọi điện thoại tiền xu... Hiện những dịch vụ này đang phát triển rất chậm song về lâu dài khi cơ sở hạ tầng của VN đủ điều kiện phát triển hệ thống thanh toán thì tiền xu không thể vắng bóng.
Từ cuối năm 2003, Việt Nam đã phát hành tiền xu với 5 mệnh giá gồm: 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng có đường kính 19mm-25mm, trọng lượng từ 3,2g đến 7,7g, độ dày 1,45mm-2,2mm. Theo giới chuyên môn, về cơ bản những đồng tiền này phù hợp với thông lệ quốc tế. Loại tiền 200 đồng có màu trắng, khi chuyển sang loại 1.000 có màu vàng, đường kính của loại tiền 1.000 đồng đã được thiết kế loại nhỏ hơn 200 đồng để tiết kiệm chi phí và vật liệu, đảm bảo kiểm soát được kích thước tiền kim loại trong phạm vi hợp lý. |
Minh Khuyên