Sau nhiều ngày thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ trước hành động đặt giàn khoan HD 981 trái phép của Trung Quốc, sáng 11/5, nhân dân Việt Nam ở cả ba miền đất nước cùng tuần hành ôn hòa, yêu cầu Trung Quốc dỡ giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ở Hà Nội, khoảng 7h người dân đã bắt đầu đến khu vực tượng đài Lê Nin, phía trước Đại sứ quán Trung Quốc. 7h30, lượng người đã lên tới hàng trăm và liên tục tăng dần. Góc đường Hoàng Diệu qua đại sứ quán Trung Quốc được phong tỏa bằng hàng rào sắt. Hàng trăm công an, bảo vệ, lực lượng kiểm soát quân sự được huy động để hướng dẫn giao thông và đảm bảo an ninh.
Xe của công an phường trước cổng Đại sứ quán phát thanh vạch tội Trung Quốc ngang ngược, hống hách xâm phạm chủ quyền Việt Nam, còn chủ động tấn công tàu kiểm ngư và cảnh sát biển, dùng vòi rồng phun nước khiến tàu chấp pháp của Việt Nam bị hư hỏng và nhiều kiểm ngư viên bị thương. Chương trình phát thanh nêu rõ Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước; đồng thời kêu gọi đồng bào bình tĩnh và hãy yêu nước theo cách của bản thân, góp phần bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Dòng người đứng nối tiếp nhau, hướng về phía Đại sứ quán Trung Quốc, giơ cao cờ Tổ quốc và băng rôn với khẩu hiệu: "Đồng hành cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung. Tất cả cùng đồng thanh hô to: "Đả đảo Trung Quốc, Việt Nam muốn hòa bình, Trung Quốc phải dỡ ngay giàn khoan ra khỏi biển Đông".
Đáp lại sự phản đối của người dân Việt Nam, cánh cổng Đại sứ quán Trung Quốc vẫn đóng kín. Từ phía trong, một vài người đứng quan sát sau bức tường, quay phim và chụp ảnh.
Những cựu chiến binh hô vang khẩu hiệu đoàn kết để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Quý Đoàn. |
Dòng người đổ về trước Đại sứ quán Trung Quốc mỗi lúc một đông. Khoảng 9h, con số đã lên đến hàng nghìn người với đầy đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu. Rất nhiều người trong trang phục cựu binh, nữ thanh niên xung phong, nhiều người mặc áo in hình cờ Tổ quốc, hay dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Cứ một người bắt nhịp, cả biển người cùng đồng thanh hô to "Đả đảo Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam".
Bài thơ "Nam Quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt cũng được dòng người hô vang. Bài quốc ca, dậy mà đi... cũng được vang lên hào hùng, khí thế. Một cụ già giơ tấm biển viết tay lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình".
Cậu học sinh trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa) Nghiêm Minh Trị và em gái được bố mẹ đưa đến khu tượng đài Lê Nin, hô khẩu hiệu cùng những người xung quanh. Cậu bé băn khoăn hỏi bố, tại sao không đánh đuổi những kẻ xâm phạm ra khỏi đất nước như ông cha vẫn làm? Người cha tay ôm con gái, giảng giải rằng, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến để giành và giữ chủ quyền. Việt Nam muốn hòa bình, yêu chuộng hòa bình, nên muốn giải quyết mọi việc thông qua đàm phán. "Con ghét những kẻ xâm lược. Lớn lên con muốn làm bộ đội để bảo vệ Tổ quốc", Trị nói.
Suốt nhiều ngày qua, những cựu binh từng chiến đấu trong chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) liên tục họp nhau lại, tìm cách lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc. Sáng sớm nay, họ đã cùng nhau đến trước cổng Đại sứ quán nước này trong trang phục cựu binh, ngực đeo huy hiệu in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Thế hệ chúng tôi đã đổ nhiều máu xương để bảo vệ biên giới của đất nước. Bao nhiêu khổ cực, vất vả, đau thương đều đã trải qua. Chủ quyền nhất định phải giữ, nhưng chúng tôi không muốn con cháu của mình phải sống trong những ngày gian nan đó. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán", ông Nguyễn Ngọc Thạch, chiến sĩ sư đoàn 356 từng chiến đấu ở Vị Xuyên nói.
Dù đã nhiều tuổi, ông Chu Việt, cựu chiến binh phường Kim Mã, Hà Nội vẫn hòa vào dòng người hô phản đối. Ông nói: "Tôi là người Việt Nam. Tôi không thể ngồi nhìn Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước. Tôi chắc chắn rằng, mọi người dân Việt Nam đều đồng lòng bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc", ông nói.
2 giờ sau khi đoàn người cùng hô hào phản đối Trung Quốc, một chiếc xe thương binh được lái vào trước cổng Đại sứ quán. Các khẩu hiệu "Đả đảo Trung Quốc xâm lược biển Đông của Việt Nam, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam là bất khả xâm phạm, chúng ta không thể đứng im cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm" được dán quanh xe. Ba thanh niên với áo in hình I love Hanoi, Vietnam (Tôi yêu Hà Nội, Việt Nam) đứng trên nóc xe, người vẫy lá cờ đỏ sao vàng, người cầm giấy in dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" bắt nhịp cho mọi người cùng hô vang thông điệp phản đối Trung Quốc.
Từ Tam Dương (Vĩnh Phúc) về Hà Nội, nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huần cho biết, rất bức xúc về hành động của nước láng giềng. Bà khẳng định: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Chúng tôi là phụ nữ nhưng cũng không thể ngồi yên. Chúng tôi từng chiến đấu gian khổ để giành độc lập cho dân tộc, nên không thể chấp nhận việc Trung Quốc leo thang. Yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan về nước", bà Huần nói.
Có mặt trong đoàn mít tinh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: "Là con dân của đất Việt, tôi lần đầu tiên tham gia cuộc biểu tình, chống lại ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Chính phủ, Quốc hội Mỹ, Nhật cùng chính phủ, người dân nhiều nước trên thế giới đã ủng hộ chúng ta, lên án hành vi xâm phạm thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc".
Một em bé được người thân đưa đi tham gia cuộc phản đối. Ảnh: Quý Đoàn. |
Khoảng 10h, biển người phản đối từ tượng đài Lê Nin tách một phần bắt đầu tuần hành qua phố Hàng Bông lên Hồ Hoàn Kiếm. Số người trên phố nhập vào đoàn tuần hành mỗi lúc một đông. Hàng nghìn người cùng hát quốc ca và những bài ca về biển đảo. Đoàn người đi trong trật tự, các cửa hàng trên phố Hàng Bông tạm dừng kinh doanh.
10h30, đoàn người qua tòa nhà Hàm cá mập, đi một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Người cầm loa dẫn đoàn thông báo tạm thời chấm dứt cuộc tụ tập phản đối Trung Quốc vang lên, mọi người dần giãn ra. Họ động viên nhau giữ sức khỏe và hẹn nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, sẽ tiếp tục tuần hành phản đối.
Lúc này, tại Đại sứ quán Trung Quốc, biển người cũng vãn dần, chỉ còn vài trăm người tụ tập thành các nhóm nhỏ, kể cho nhau nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc. Thanh niên tình nguyện, lực lượng bảo vệ vẫn làm nhiệm vụ tại hiện trường. Khoảng 11h30, các hàng rào sắt quanh Đại sứ quán Trung Quốc được tháo hết, đường Hoàng Diệu được lưu thông.
Cùng thời điểm với Hà Nội, tại TP HCM hàng nghìn người tay cầm băng rôn và biểu ngữ xuất phát từ Nhà hát thành phố, tuần hành qua đường Đồng Khởi, Nhà thờ Đức Bà rồi về ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, gần Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM. Họ hô vang các khẩu hiệu: "Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"...
Hàng trăm chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông giữ trật tự quanh khu vực, phong tỏa các tuyến đường nơi đoàn tuần hành đi qua. Hàng chục cảnh sát cơ động xếp hàng tránh việc đoàn biểu tình tiếp cận sát Lãnh sự quán. Sau khi được công an giải thích, những người phản đối vòng qua Hồ Con Rùa, đường Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng rồi trở về gần Lãnh sự quán tiếp tục hô vang khẩu hiệu.
Trước đó, ngày 10/5, người TP HCM đã tập trung tại khu vực này mang theo biểu ngữ: "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam".
Trời miền Trung sáng 11/5 nắng nóng gay gắt, không ngăn được hơn 3.000 người Đà Nẵng tập trung tại công viên Bạch Đằng, dưới chân cầu Rồng. Họ căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Đoàn biểu tình đi qua các con phố lớn, liên tục hô to khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam", "Dỡ bỏ giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi biển Đông"...
Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc kéo dài nhiều tiếng liền thu hút sự chú ý, quan tâm của người dân và khách du lịch tại thành phố bên sông Hàn.
Đoàn người cho biết, họ sẽ tiếp tục tập trung đông hơn để biểu tình phản đối, nêu cao tinh thần bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm phạm trắng trợn từ phía Trung Quốc.
Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc: "Người dân không làm thế mới lạ" Trao đổi với VnExpress sáng 11/5, ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, do có cuộc họp đột xuất của Ủy ban nên ông không có mặt cùng nhân dân xuống đường tuần hành thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc. Theo ông Kim, việc người dân tổ chức mít tinh, biểu tình vừa qua là chính đáng, là hành động tự vệ trước việc đất nước bị xâm phạm chủ quyền. "Việc làm này phù hợp pháp luật, thể hiện tinh thần dân chủ. Nếu nhân dân không phản ứng mới là lạ. Trước sự thách thức về chủ quyền Tổ quốc, bất cứ người dân đất nước nào cũng làm vậy, trong khi người dân Việt Nam đã phải đổ biết bao máu, mồ hôi và nước mắt qua các thế hệ mới giữ được độc lập như ngày nay", ông nói. "Chúng ta phải biết trân trọng tình cảm đó của nhân dân. Chỉ có người dân mới giải quyết được vấn đề bảo vệ đất nước. Đó là chân lý muôn thuở", ông Kim bày tỏ thêm. Đánh giá về các hoạt động biểu tình sáng 11/5, ông Kim cho rằng “rất chừng mực và có văn hóa”. Theo ông, các hoạt động như vậy đã biểu hiện được lòng yêu nước mà không động chạm chuyện này chuyện khác, không gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hay của nhân dân. “Các cuộc mít tinh, biểu tình cũng không đi lạc vào chủ đề khác, không gây kích động, bạo lực. Tôi đánh giá cao những hành động rất văn hóa như vậy. Ứng xử văn hóa đó là rất tuyệt vời”, ông Kim nhấn mạnh. Ông cũng nói thêm, các cuộc biểu tình đã thể hiện sự coi trọng tình hữu nghị vốn có của hai nước. Điều đó có lợi cho nhân dân, cho hòa bình hai nước và khu vực mà không gây thiệt hại cho bên nào. |
Nhóm phóng viên
Video: Thanh Tùng - Hồng Phúc