- Từng là Đại sứ tại Trung Quốc giai đoạn 1997-2002, ông đánh giá thế nào về thời điểm Trung Quốc lựa chọn đặt giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam?
- Tôi cảm thấy khó hiểu trước viêc làm trên, bởi vừa qua Trung Quốc đưa ra chính sách ngoại giao mới đối với các nước láng giềng trong đó có nói: “Thân thiện với láng giềng, làm đối tác tốt, hợp tác tốt với láng giềng”. Thế nhưng việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lại không thể hiện được tinh thần của chính sách ngoại giao trên. Điều này gây bất ngờ đối với chúng tôi - những người muốn làm cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước tốt lên.
- Sự kiện này theo ông có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa nhân dân hai nước hiện nay và trong tương lai?
- Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những gì lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận trong các cuộc gặp gỡ giữa hai Chủ tịch nước vào tháng 6/2013 và hai Thủ tướng vào tháng 10/2013, là “cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông”, “không áp dụng hành động làm phức tạp hóa và mở rộng thêm tranh chấp”. Hành động đó cũng trái với Thỏa thuận các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà hai nước đã ký năm 2011, trong đó nhấn mạnh “làm cho biển Đông trở thành biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Tôi cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam đã làm tổn thương đến nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến sự tin cậy lẫn nhau mà hai bên vừa qua cố gắng lắm mới đạt được.
Trước đây, nhiều lãnh đạo Việt Nam từng hoạt động cách mạng tại Trung Quốc. Năm 1949, khi cách mạng Việt Nam còn vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam sang Quảng Tây phối hợp với du kích ở đây mở chiến dịch Thập vạn đại sơn đánh bại tàn quân Quốc dân đảng.
Ngược lại, Trung Quốc cũng từng giúp Việt Nam về cả con người và vật chất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Tất cả xương máu của chiến sĩ hai bên đã xây đắp nên tình hữu nghị.
Nhưng càng khâm phục về một dân tộc Trung Hoa vĩ đại trong lịch sử bao nhiêu, càng biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc bao nhiêu, thì nhân dân Việt Nam càng thấy đau lòng, khó hiểu, thậm chí phẫn nộ trước việc làm của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian vừa qua.
- Thông qua các mối quan hệ, ông nắm được gì về phản ứng của người dân Trung Quốc xung quanh vụ đặt giàn khoan trái phép?
- Ngày 6/5 trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc có bài viết nói Trung Quốc cần dạy cho Việt Nam một bài học. Đây có thể không phải là tiếng nói của nhiều người, nhưng tiếng nói đó cũng làm tổn thương đến người Việt Nam. Những người đưa quan điểm này không hiểu gì về Việt Nam, không hiểu lịch sử đấu tranh của Việt Nam, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ mà ta vừa kỷ niệm 60 năm.
Người dân Trung Quốc vẫn chưa được tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin chính xác, đầy đủ về Việt Nam và quan hệ hai nước. Vì vậy, chúng ta cần làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ hơn về tình hình thực tế trên biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và về cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Rất nhiều người dân Trung Quốc không hiểu vấn đề này. Chúng tôi từng gặp và giải thích cho nhiều bạn bè Trung Quốc, là doanh nhân, cựu chiến binh, dân thường về Hoàng Sa, Trường Sa và "đường lưỡi bò" là gì. Sau khi hiểu rõ, họ đều nói rằng “Trung Quốc làm như thế là không được”.
- Vậy theo ông, hướng giải quyết vụ việc nên như thế nào?
- Ở đây có vấn đề lợi ích dân tộc. Trung Quốc nói hành động đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc theo cái gọi là "đường lưỡi bò". Yêu sách này dù bị rất nhiều nước phản đối, ngay cả người Trung Quốc hiểu tình hình cũng nói là không thể chấp nhận được, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì. Vì vậy, việc đấu tranh chủ quyền vẫn sẽ phải tiếp tục.
Theo tôi, việc quan trọng cần làm bây giờ là hai bên ngồi lại thương lượng hòa bình với nhau. Việt Nam cũng không thể chấp nhận nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng. Nhưng cũng không thể dùng dằng, kéo dài sự việc.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có 3 vấn đề về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại. Đó là biên giới trên bộ, phân chia vịnh Bắc bộ và các vấn đề trên biển (gồm biển và quần đảo). Thời gian tôi ở Trung Quốc, hai bên đã ký với nhau hiệp định phân định biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc bộ sau nhiều năm đàm phán. Hiện nay chỉ tồn tại vấn đề trên biển. Vậy tại sao hai bên không tham khảo cách làm trong quá khứ để giải quyết, xử lý vấn đề trên biển?
Nếu hai bên đều có thiện chí, đều mong muốn đạt được hòa bình, ổn định thì đàm phán mới có kết quả. Việc giải quyết phải có tình, có lý. “Tình” là phải dựa vào quan hệ hữu nghị giữa hai nước. “Lý” là phải căn cứ theo luật pháp, trong đó có Công ước về Luật biển năm 1982.
- Hội Hữu nghị Việt - Trung sẽ làm gì để sự thật đến được với người dân Trung Quốc?
- Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hội hữu nghị Việt - Trung đã gửi thư cho Hội hữu nghị Trung - Việt của Trung Quốc, bày tỏ quan ngại trước hành động của Trung Quốc, yêu cầu rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đề nghị hai bên cùng ngồi lại đàm phán để giải quyết một cách hòa bình, theo đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
Trước đây, chúng tôi cũng trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo, Hoàn cầu Thời báo về các vấn đề đang gây tranh cãi. Thông qua giao lưu, trao đổi, liên hoan, tiếp xúc với hàng chục đoàn cựu chiến binh Trung Quốc đến Việt Nam, chúng tôi cũng nói rõ tình hình thực tế. Họ đã nghe và hiểu ra vấn đề.
Đặc biệt là thông qua Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, đã diễn ra được 5 lần, bao gồm nhân sĩ làm việc trên các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, khoa học, lịch sử, truyền thông. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn về tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa hai nước, và kiến nghị với lãnh đạo những việc cần làm, để thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Lần gần đây nhất vào tháng 10/2013, tại Ninh Bình, chúng tôi trao đổi thẳng thắn về vấn đề xây dựng lòng tin và sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Cả hai bên đều thừa nhận rằng lòng tin của hai nước đang bị sứt mẻ. Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm tổ chức Diễn đàn lần thứ 6 tại Trung Quốc. Vấn đề biển Đông lần này chắc sẽ được đưa ra bàn luận. Thông qua đó, chúng tôi sẽ có những kiến nghị với cấp lãnh đạo của hai bên nhằm giảm căng thẳng, tiêu cực.
Đức Dương - Hoàng Thùy