Sáng sớm 10/10, ông Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu 2 (thị trấn Ái Nghĩa) ra sau nhà thấy nước sông Vu Gia đang lên. Ông đoán nước lũ sẽ vào nhà nên cùng vợ và người con trai vội vàng kê dọn tài sản lên cao. Tủ lạnh, máy giặt cho lên bàn, đồ vật nhẹ hơn thì đưa lên gác lửng.
8h cùng ngày, nước lũ từ sông chảy vào nhà ông gây ngập 20 cm; đến 12h trưa, nhà ông Tuấn đã ngập gần nửa mét. Nồi cơm với cá khô được dọn ra, cả gia đình mỗi người bưng một bát đứng trong nước lũ dùng bữa trưa.
Huyện Đại Lộc là "rốn lũ" Quảng Nam. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nằm ở phía trên, khi có mưa lớn, các nhà máy thủy điện xả lũ đều chảy qua "rốn lũ" này, gây ngập 17 xã và một thị trấn nằm hai bên sông. Sau đó, nước lũ mới chảy về xuôi, lần lượt đến thị xã Điện Bàn, TP Hội An và Đà Nẵng.
"Từ 6h đến 11h ngày 10/10, nước từ sông Vu Gia lên rất nhanh", bà Bùi Thị Liễu (vợ ông Tuấn) nói và cho hay sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm chịu đựng vài trận lụt, nên khi nhìn trời mưa là họ có thể đoán được mức độ nước tràn vào nhà.
Căn nhà cấp bốn được gia đình bà Liễu thiết kế một gác lững cao hơn 3 m. Nước lũ dâng thì cả gia đình trèo lên trú tránh. "Tất cả nhà dân ở huyện Đại Lộc đều thiết kế gác lửng để tránh lũ", bà Liễu nói thêm.
Cạnh nhà ông Tuấn, vợ chồng chị Võ Thị Lựu mang hai chiếc đèn đã sạc đầy pin lên gác để chuẩn bị khi điện lưới bị cắt.
Bếp và bình gas cũng được chị tháo ra, đưa lên gác phục vụ nấu ăn trong những ngày ngập nước. Thức ăn gồm gạo, nước mắm, cá khô, mì tôm đã mua trước đó.
"Nước lên nhanh và mưa còn kéo dài như thế này thì lũ lớn sẽ xảy ra", chị Lựu nói và cho biết gia đình không sơ tán, nếu nước ngập cao đến gác lửng thì họ dùng ghe qua nhà hàng xóm trú tránh.
Cũng như các hộ dân khác trong vùng, nhà ông Đỗ Thanh Xuân ở khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa bị ngập 50 cm. Ông cùng vợ và người con trai lên gác lửng, chỉ rộng hơn 10 m2 ở tạm. Trong không gian bé nhỏ, ông Xuân dành một góc nhỏ đặt bếp gas nấu ăn qua ngày. "Tránh lũ như thế này rất chật chội, bất tiện nhưng cố gắng ít ngày nước rút sẽ được trở lại cuộc sống bình thường", ông Xuân nói.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa to từ ngày 6/10 đến nay khiến hơn 100.000 nhà dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng bị ngập. Riêng Quảng Nam có 2.500 nhà dân ngập, trong đó 600 nhà ngập trên một mét. 9 người chết, 11 người mất tích do mưa lũ.
Nguyên nhân lũ lớn là tác động của dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal đến vùng biển Philippines, vắt qua Trung Bộ. Dải hội tụ này tồn tại nhiều xoáy thấp, một trong số đó phát triển thành bão Linfa.