Lúc 14h, thủy điện A Vương, xã Macooih (huyện Đông Giang) ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ 818 m3/s, nên đã vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 424 m3/s.
Tương tự, thủy điện Sông Bung 4, xã Tà Pơ (huyện Nam Giang) lượng nước đổ về lòng hồ 1471 m3/s, nên vận hành xả lũ 1231 m3/s.
Thủy điện Đak Mi 4, xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) lượng nước về lòng hồ 365 m3/s, nhà máy vận hành xả qua tràn 25 m3/s; và thủy điện Sông Tranh 2 nước về lòng hồ 497 m3/s, xả qua tràn gần 6 m3/s.
Quảng Nam hôm qua ngớt mưa, lũ giảm dần. Tuy nhiên, từ đêm 9 đến sáng 10/10 có mưa to gây ngập úng cục bộ huyện Thăng Bình, Duy Xuyên. Trên các sông lũ lên lại, trong đó Hội An mực nước ghi nhận 1,24 m, trên báo động 1 là 0,24 m.
Hiện nước thượng nguồn đổ về khiến hạ du sông Thu Bồn dâng lên. Chính quyền Hội An yêu cầu người dân ở vùng thấp lụt không được chủ quan, theo dõi thông tin để chủ động phòng tránh.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, nói việc các thủy điện xả lũ sẽ góp phần gây lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, việc này là cần thiết để hồ chứa thủy điện hứng nước các trận mưa tiếp theo. "Dự báo trận lũ này sẽ tương đương với đợt lũ tháng 9/2013", ông Tý nói.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu các địa phương rà soát, sơ tán nhân dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. "Sơ tán triệt để người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10", ông Thanh nói.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đêm 9/10, tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, khiến các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An bị ngập.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, trong 24 giờ qua, tổng lượng mưa vùng núi phía nam phổ biến 50 - 100 mm, vùng núi phía bắc và vùng đồng bằng ven biển phổ biến 120 - 180 mm, có nơi hơn 180 mm.