Giữa tháng 11, mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh một số hàng quán tại TP Đà Lạt treo bảng hạn chế, không phục vụ khách ngoại tỉnh và mong được thông cảm. Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt, xác nhận có tình trạng trên và hình ảnh này gây mất thiện cảm với du khách, đi ngược phong cách "Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách" mà thành phố gây dựng.
Người Đà Lạt lo sợ có lý do
Từ 15/10, tỉnh Lâm Đồng mở cửa với du khách ngoại tỉnh. Số lượng người đi du lịch, chủ yếu từ TP HCM tới Đà Lạt tăng dần. Vào những ngày cuối tháng 10, thành phố du lịch này đã có gần 2.000 lượt khách thuê phòng.
Trong quá trình đón khách trở lại, Đà Lạt cũng ghi nhận số trường hợp cách ly F1 và điều trị F0 từ 550 lên 1.515. Nguồn lây bệnh đa số đều từ khách ngoại tỉnh khiến người dân Đà Lạt lo sợ và e ngại khi tiếp xúc, từ đó họ bị gắn mác là kỳ thị du khách.
"Người Đà Lạt lo sợ cũng có nguyên do, thứ nhất số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở thành phố chỉ mới hơn 50%. Khi họ tiếp xúc F0 thì cũng phải đi cách ly, hàng quán, nhà ở bị phong tỏa. Thứ hai, có cơ sở kinh doanh trong vòng một tháng bị phong tỏa hai lần vì có F0 ghé qua, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống người dân. Họ không kỳ thị du khách mà họ sợ phải đi cách ly, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế", ông Lê Anh Kiệt cho biết thêm.
Anh Gấu Nguyễn, chủ một tổ hợp cà phê, nhà hàng, shop thời trang và khu cắm trại chia sẻ câu chuyện của quán anh khi có du khách là F0 ghé qua hồi giữa tháng 11. Hiện nhân viên tiếp xúc với F0 đang cách ly, còn anh và các nhân viên còn lại đều tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
"Sau quyết định mở cửa đón khách du lịch của thành phố thì cũng phải hai tuần sau mình mới dám mở quán và chủ yếu là đón khách quen ở Đà Lạt. Tất cả người trong quán đều tuân thủ 5K. Giữa tháng 11, một du khách có ghé quán và không may bạn ấy là F0 dù trước đó 2 ngày xét nghiệm vẫn âm tính", anh Gấu nhớ lại, khi nhận được tin quán có liên quan đến F0, anh vừa buồn vừa lo lắng. Anh ngay lập tức nhắn toàn bộ nhân viên tự cách ly và xét nghiệm nhanh Covid-19. Sau đó, anh chủ động khai báo y tế với cơ quan chức năng, đóng cửa quán để đảm bảo an toàn cho mọi người.
"Quán mình mới mở được khoảng một năm, việc đóng cửa quán ảnh hưởng đến kinh tế khá nhiều nhưng mình chấp nhận để đảm bảo an toàn cho mọi người", anh Gấu nói thêm, hiện vẫn chưa có kế hoạch mở quán trở lại, mà theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương rồi mới quyết định. Đồng thời anh cho biết không đồng ý hành động treo bảng không đón khách ngoại tỉnh của một số hàng quán trong thời gian gần đây.
'Người Đà Lạt không kỳ thị khách du lịch'
Để du khách không phải hiểu nhầm, nhiều người dân TP Đà Lạt đã đăng bài viết, dựng video trần tình trên các trang mạng xã hội, nhiều thông điệp được gửi đến du khách như "Các bạn ơi! Người Đà Lạt không kỳ thị bất cứ một ai cả, chúng tôi luôn hoan nghênh và chào đón các bạn đến với thành phố xinh đẹp này. Tôi biết nhiều bạn đến Đà Lạt có mục đích: du lịch, công tác, về thăm quê, gia đình... Nhưng tình hình dịch bệnh như hiện nay nếu muốn đi đâu chúng ta nên suy nghĩ kỹ cho bản thân cho cộng đồng và cần thận trọng trước khi quyết định đến một nơi nào đó"...
Ngoài ra, nhiều bạn cũng gợi ý du khách có thể du lịch Đà Lạt theo hình thức "bong bóng" đúng lộ trình. Hãy đợi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tất cả các hoạt động được mở lại, khi đó dịch vụ được nâng cao, chất lượng phục vụ tốt hơn, du khách cũng sẽ thoải mái hơn.
"Đà Lạt vẫn ở đây không đi đâu cả nên các bạn đừng lo, hãy giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình đầu tiên nhé!", "Bọn mình vẫn sẽ ở đây chờ các bạn ghé thăm"... là tâm sự của nhiều người dân Đà Lạt.
"Đà Lạt là thành phố du lịch, vẫn nên giữ hình ảnh thân thiện dù trong hoàn cảnh nào", anh Gấu bày tỏ.
Hiện cơ quan chức năng địa phương đã vận động, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tháo gỡ bảng, thực hiện mua bán mang về hoặc truy mã QR trước khi nhận khách.
Huỳnh Nhi