Một ngày tháng 10, "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" - homestay thứ 3 của Huyền ở Đà Lạt (Lâm Đồng) - khai trương. Giống như tên gọi, ngôi nhà gỗ kiểu cũ nằm trên mảnh đồi nhỏ được nhuộm vàng ươm những ngày nắng ấm và yên bình những ngày mưa xối xả.
Phía trước hiên nhà là những chậu cúc họa mi đang dần bung nở và quả hồng chín đỏ rụng lộp bộp. Ngồi trong nhà, cô chủ 28 tuổi vuốt ve chú mèo lười bên ghế, ngắm sương tràn xuống bên kia đồi. Cô cũng không quên gửi ảnh khoe bố mẹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu về khoảng thời gian cô đang cảm thấy yên bình nhất, khi ngoài kia vẫn ồn ào tin tức Covid-19.
"Chạy trốn" khỏi thành phố
Cũng vào khoảng thời gian này của 4 năm trước, Huyền sắp xếp hành lý, xin nghỉ việc một tuần lên Đà Lạt để thoát khỏi những căng thẳng, áp lực triền miên.
Khi ấy cô 24 tuổi, là trợ lý giám đốc của một công ty tại Sài Gòn, nơi cô đã học tập và làm việc 7 năm. Có thêm nhiều cơ hội với sự kiện, dự án bên ngoài, cô chưa khi nào dừng làm hai việc cùng lúc. Mức lương đáng ngưỡng mộ, song cô đổi lại những ngày về nhà lúc gần 12h đêm, bữa cơm dang dở và bỏ qua cả những buổi đi chơi cùng bạn bè.
Lên Đà Lạt, cô lưu trú tại homestay của bạn trai khi ấy cũng là chồng hiện tại. Ở thành phố ngàn hoa, sau 20h tối, những ô cửa đều đóng kín, hầu như chỉ có khách du lịch còn ra ngoài chơi. Nhịp sống chậm cùng tiết trời se lạnh, không khí đặc sương mù khiến cô không khỏi thấy nhớ Sài Gòn và quyết định trở về.
Nhưng trở lại công việc, thấy mình không còn nhiều cảm hứng và càng lạc lõng hơn giữa thành phố nhộn nhịp, cô biết đến lúc phải lựa chọn giữa ở phố hay về rừng. "Vậy là mình quyết định xin nghỉ hẳn và chuyển lên Đà Lạt, dù khi ấy bạn trai cũng đang gặp nhiều vấn đề về tài chính, công việc kinh doanh và bố mẹ thì không đồng ý", Huyền nói.
Bao nhiêu tiền có được cả hai dồn vào làm homestay, do thiếu kinh nghiệm quản lý nên nhiều chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Ngày homestay đi vào vận hành, do không có đủ tiền thuê nhân viên, họ phải đảm nhiệm việc dọn dẹp, trang trí, đưa và đón khách. Vốn có năng khiếu hội họa, Huyền vẽ tranh, làm đồ trang trí cho homestay. Nhiều vị khách đến chơi ngỏ ý mua, rồi đề nghị cô giúp thiết kế quán cà phê và homestay của riêng họ.
Từ đây, Huyền và bạn trai có thêm công việc mới là nhận lên ý tưởng, thiết kế, thi công, thậm chí là vận hành, đào tạo nhân viên cho những quán cà phê, homestay. Họ rong ruổi cùng nhau khắp Đà Lạt, các tỉnh thành lân cận để giám sát công trình cả ngày, đêm và lấy công làm lãi. Song thời gian đầu, cặp đôi bị khách quỵt tiền công, có người thì thanh toán chậm tới nay chưa hết.
Vì thương con gái, ba mẹ Huyền lên Đà Lạt phụ làm dự án. Nồi cơm điện hỏng cũng chưa có tiền thay, nhìn ba dù đau dạ dày vẫn cố ăn bữa cơm nửa sống, nửa chín cho con vui mà Huyền ứa nước mắt, giận mình để bố mẹ lo lắng.
Tết năm 2018, chủ đầu tư chưa thanh toán tiền dự án nên Huyền bỏ tiền túi ra trả cho nhân viên của họ về quê ăn Tết. Cô chia sẻ vì cũng là những người xa nhà nên cô hiểu cảm giác mong ngóng tiền lương để mua quà cáp, chuẩn bị cho những ngày đoàn viên. Tết đó, Huyền cùng bạn trai không còn nổi một triệu đồng, cô vẫn thường đùa rằng mình "mất Tết".
Trái ngọt homestay
Những ngày "cực nhọc tứ bề" vẫn chưa qua đi nhưng cặp đôi có thêm nhiều dự án, có vốn để vực dậy chiếc homestay. Kinh doanh lưu trú không dễ dàng như mọi người tưởng, đặc biệt là khi tự làm. Có những ngày thời gian làm việc của họ lên tới 17-18 tiếng.
Thời gian nhận và trả phòng là thế song cô luôn sẵn sàng đón khách đến sớm hơn, dùng trà, nghỉ ngơi trước hoặc sau giờ. Có những đêm luôn để điện thoại để khách đi chơi về gọi và sẵn sàng nấu mì lúc 2h sáng. Bù lại, công việc kinh doanh lưu trú cũng mang đến cho cô nhiều kỷ niệm đẹp. Có những khách hàng quý mến làm đồ ăn tặng họ, hay ngồi kể chuyện hàng tiếng đồng hồ về cuộc sống, những áp lực công việc của thành thị.
Dần dà, họ nhận thêm nhiều dự án rồi có vốn mở một quán cà phê cho riêng mình. Những chiếc homestay, phim trường, quán cà phê tiếp theo ra đời. Huyền chia sẻ, không phải lúc nào cô cũng có sẵn kinh phí để xây dựng và phải vay mượn thêm, chấp nhận rủi ro.
Năm 2020, khi chuẩn bị đi vào vận hành quán cà phê thứ 2 thì Huyền bị tai nạn. Không thể trực tiếp đi làm, khoản vay nợ khiến cô lo lắng. Ở nhà, Huyền vẫn làm tốt công việc của mình là xây dựng ý tưởng, còn bạn trai sẽ trực tiếp đi công trình.
"Bỏ phố, nhưng chưa bao giờ mình bỏ những nỗ lực và cố gắng sau khi chấn chỉnh lại tinh thần. Về sau này, làm gì cũng tự nhắc bản thân phải cẩn trọng hơn", cô nói. Homestay đầu tiên do cả hai cùng gây dựng ngày đầu nay đã chuyển quyền quản lý cho một người khác, một chiếc homestay cũng được cho xưởng làm gốm thuê lại.
Những ngày xây dựng và đi vào hoạt động homestay thứ 3 cũng là lúc đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Không có khách du lịch nên việc kinh doanh gần như tê liệt. Cặp đôi cùng nhân viên hàng ngày ngoài trang hoàng homestay thì cuốc đất làm vườn, trồng thêm nhiều hoa, rau củ. Huyền chia sẻ, những ngày ở Đà Lạt mới thấy mình may mắn, vì người dân rất có ý thức phòng dịch bệnh và bảo vệ lẫn nhau. Đến nay, cô chưa quảng bá quá nhiều về homestay và nhận khách lưu trú đã tiêm vaccine Covid-19, đến từ địa phương vùng xanh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Huyền chia sẻ, những tháng ngày bình yên của hiện tại được đổi bằng những vất vả trong quá khứ. Những người làm kinh doanh, đặc biệt bỏ phố về quê thì càng cần hiểu rằng không có con đường nào trải sẵn hoa hồng. Đầu tư thứ gì cũng cần xác định được mục tiêu khách hàng, tính toán kinh phí và xác định trong 6 tháng đầu có thể không có khách, lỗ vốn. Để phục vụ tốt công việc của mình, cô cũng từng đi đi lại lại giữa Sài Gòn, Đà Lạt để học marketing, quản trị.
Nhiều lúc Huyền thấy nhớ sự tấp nập, nhộn nhịp của Sài Gòn nhưng chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Những ngày tháng này với cô là bình yên nhất, khi ngoài trời gió thổi lồng lộng, mây luồn qua khe cửa ùa vào căn nhà bên đồi, được nghe tiếng củi mục cháy lách tách trong chiếc lò đất mới đắp.
Lan Hương