![1i-1438853007_1439005695.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/08/1i-1438853007-5770-1439043827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=feX3o_EBlOPpiytv6XJxLA)
Có người nhớ về thời thơ ấu của mình với những trò tinh nghịch của lũ trẻ con, có người nhớ về một người thương đang ngóng chờ một nơi nào đó. Với tôi, một cậu sinh viên rời xa gia đình, xa quê hương vào thành phố học tập với mong muốn tương lai sẽ tốt đẹp hơn thì nỗi nhớ luôn day dẳng, đeo đuổi tôi có lẽ là nỗi nhớ quê hương.
Quê hương - hai tiếng thật thân thương, gợi cho tôi biết bao nỗi nhớ, niềm thương khi nhớ về. Không phải riêng tôi mà chắc hẳn những người con xa xứ, những người con xa gia đình chỉ vì cuộc sống mưu sinh, học tập thì đều mang trong mình một hoài niệm như thế, một nỗi lòng của người con xa xứ.
Ngày tôi còn học cấp 3, tôi không nghĩ cuộc sống của mình lại đầy khó khăn như hiện tại. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi vào thành phố học chỉ để một lần được đi chơi, được tự do thêm một khoảng thời gian, hay nói theo kiểu khác đó là một chuyến du lịch dài ngày mà tôi không nghĩ tới những gì sắp xảy đến với tôi.
Tôi rời ra gia đình hơn 2 năm và giờ tôi là một cậu sinh viên năm 3. Sống xa nhà, xa quê hương và không quen biết một ai nơi đây, phải tự lo cho bản thân mình quả thật rất khó với tôi bởi gia đình tôi cũng không có điều kiện như bao người khác, và cũng không thuận lợi như bao bạn bè cùng trang lứa.
![10717974-657705097678416-1678266420-n-14](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/08/10717974-657705097678416-16782-1839-9461-1439043827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vR6DKVHBDJV5r_jYco54JA)
Tôi nhiều lần bật khóc và từng nghĩ sẽ từ bỏ việc học hành của mình, nhưng rồi nghĩ tới bố mẹ mình tôi lại phải gượng cười bước tiếp, nhiều lần tôi khóc một minh và tủi thân khi thấy bạn bè mình được bố mẹ tới thăm, được về quê hương của mình. Với tôi, điều đó là quá xa xỉ. Hơn 2 năm trôi qua tôi mới về quê được một lần và rồi lại khóc nức nở trên vai bố mẹ tôi trước lúc quay trở vào thành phố học tập, nhìn bố mẹ tôi như thế tôi lại càng thấy tủi thân hơn.
Không ồn ào, tấp nập, không khói bụi cuồn cuộn với những dòng xe ở nút giao thông, quê tôi thật yên bình và có phần thoáng đãng với những cánh đồng lúa mênh mông, với những luồng gió khe khẽ, và cả những tiếng ếch, nhái kêu văng vẳng khi đêm về. Tôi yêu cái yên bình nơi đây, trước là thế, giờ vẫn vậy, nơi tôi sinh ra thật dịu dàng nâng bước chân tôi khi tôi trở về và đầy quyến luyến khi tôi rời xa nơi đây.
Thả bộ đi qua những con đường quá đỗi quen thuộc trong tiềm thức, ừ thì đường phố có thay đổi nhiều, nhưng ẩn nấp trong vạt áo mới, vẫn còn đó dư âm của những gì đó rất xa xôi. Quê tôi là một vùng đất nghèo khó, con người chỉ có thể làm nghề nông mà đặc biệt là trồng lúa nước để sinh sống. Những năm được mùa thì ngoài việc đáp ứng nhu cầu của gia đình thì phần còn lại để bán. Nhưng nếu chẳng may bão lũ tràn về lúc lúa thời trổ bông thì cuộc sống càng trở nên khó khăn.
Người ta thường nói: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi".
Nhưng quê hương thời kinh tế thị trường cũng có biết bao thay đổi. Cái đẹp đi cùng cái chưa đẹp. Cái dở đi cùng cái hay. Vì thế mà niềm yêu thương cùng sự trăn trở luôn ám ảnh. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, lúa đồng vẫn xanh và hoa lục bình vẫn tím và tình thương con người luôn tràn đầy.
Tôi vẫn thích cái cảm giác thư thái khi bước trên con đường làng, con đường nằm giữa cánh đồng. Mỗi lần đi bộ trên con đường đó về nhà để tận hưởng cảm giác mát mẻ, có những cánh diều của bọn trẻ, của những người gặt lúa nơi đây và của cả mẹ tôi. Nhìn làng xóm, cánh đồng, hàng cây, tôi thích cảm giác bình yên, tĩnh lặng của nơi đây. Thích những buổi chiều khói bếp quẩn quanh trên những nóc nhà, những hàng cây, lãng đãng, mờ ảo. Thích giấc ngủ dài và sâu không chút lo toan.
Về đây, tôi như được trút đi mọi gánh nặng bon chen nơi Sài thành nhộn nhịp. Mỗi khi thất bại trong cuộc sống, bế tắc trong đường đời, tôi lại trở về với vùng quê nghèo này để tìm lại sức mạnh niềm tin, bù đắp, chắp vá lại những vết thương nơi tâm hồn. Khi nhìn những ruộng lúa, dòng sông đầy hoa lục bình, lòng tôi thấy yên tĩnh.
![lu-lut-1-1438853036.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/08/lu-lut-1-1438853036-1754-1439043827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qPpTqwhz2Wfmn93xInS92w)
Nhớ đêm trung thu rước đèn, phá cỗ. Nhớ mùi bánh đúc, ngô bung của mẹ. Nhớ những ngày đi học sớm trộm vải, trộm nhãn ven đường. Và nhớ nụ cười của một người con gái, cô bạn học cùng lớp năm nào. Ở đây có những con người thân thuộc, mộc mạc, chất phác dễ gần. Nụ cười luôn tươi mới dù cuộc sống cũng bao nhọc nhằn. Và giờ bước vào cuộc sống sinh viên tôi cảm thấy nỗi nhớ càng trở nên da diết hơn, thổn thức hơn.
“Con trai sinh viên vào ký túc
Thề với lòng vứt hết yêu thương
Ngày lên đường hứa thầm với mẹ
Xa nhà con chỉ nhớ quê hương
Nhớ quê mình cũng có một mái trường
Một đàn em với tuổi thơ khó nhọc
Ngày đến lớp bùn còn vương trên tóc
Đẹp dịu hiền những nét chân quê”.
Quê tôi là thế đó, quê tôi vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Bố tôi vẫn khó nhọc bon chen với cuộc sống, tóc mẹ bạc thêm. Nuôi một đứa con học đại học vẫn là một sự nỗ lực lớn lao với người dân quê tôi.
Tôi vẫn tin vào tương lai tươi sáng của mình, quê hương sẽ là nơi tiếp thêm sức mạnh cho tôi sau mỗi chặng đường. Tôi thèm đến nao lòng không khí Tết của buổi sáng mùng một năm xưa. Xác pháo đầy sân, hương trầm nghi ngút, nước mùi già như rửa sạch mọi vương vấn lo toan. Nhìn ông ngoại tôi ngồi đan rổ tre, đan những thứ phục vụ cho cuộc sống, và ông có dạy tôi đan những thứ đó nhưng quả thật tôi chẳng thể làm nổi.
Tôi nhớ bà tôi, người luôn mang lại cho tôi những kinh nghiệm sống, những lời dặn dò khi tôi rời xa nơi này, và luôn vuốt ve mái tóc tôi, mặc thêm áo cho tôi mỗi khi đông lạnh về. Mẹ tôi - người luôn dõi theo tôi từng bước đi, là chỗ dựa tinh thần cho tôi trên con đường đầy gian khó này. Trước đây khi tôi vấp ngã thi luôn có vòng tay mẹ bên cạnh, còn bây giờ chỉ có mình tôi nơi đây.
Chút âu lo già dặn in dần lên khuôn mặt mẹ vì quá nhiều lo toan mỗi khi tôi có chuyện. Và giờ làng tôi thay đổi nhiều và chính tôi cũng đang thay đổi. Cậu bé ngày xưa từng bị mọi người đặt cho cái biệt danh "thằng nhiều chuyện" cũng thay đổi hoàn toàn. Không phải vì tôi nhiều chuyện mà bởi lẽ tôi là người nói nhiều và nhanh hơn nhiều người bạn cùng trang lứa nên vẫn được mọi người gọi như thế. Cái mơ ước rời khỏi lũy tre làng để thay đổi cuộc sống, tương lai của tôi đang được tôi cố gắng hằng ngày, tôi nghĩ về mọi người nhiều hơn, nghĩ về mình nhiều hơn.
Tôi sẽ cố gắng để hoàn thành ước mơ của mình, không làm cho bố mẹ tôi phải khóc nhiều vì tôi. Tôi cũng sẽ học cách mạnh mẽ hơn khi không có gia đình bên cạnh, nhưng dù như thế nào thì nỗi nhớ quê hương sẽ mãi không thay đổi và hình ảnh quê hương sẽ mãi trong tim tôi.
Mạch Văn Đức
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.